Cho em những trái tim để sống và để yêu - Bài 1: Những số phận…

Có những bệnh nhân được tài trợ của chương trình "Trái tim cho em" (do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (EMW) hợp tác thực hiện, và năm nay là năm thứ tư LIXIL INAX Việt Nam tham gia tài trợ cho chương trình) giờ đã lấy chồng và có một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, và quan trọng là khoẻ mạnh. Rất nhiều bệnh nhân nhi khác cũng đều có một cuộc sống khoẻ mạnh, bình thường như bao đứa trẻ bình thường khác, ngày ngày cắp sách tới trường cùng bạn bè, thày cô…

Nhưng ai cũng biết, nếu như không có ca phẫu thuật trị giá vài chục triệu đồng của chương trình "Trái tim cho em" ấy, thì có thể rất nhiều trái tim trong số đó đã phải ngừng đập, rất nhiều số phận đã phải sống chung với cảnh tím tái, ho sốt, ngất lên, ngất xuống của căn bệnh tim bẩm sinh…


Nói không ngoa rằng những người thực hiện và tài trợ cho chương trình "Trái tim cho em" đã mang tới cho những em nhỏ "trót" mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này một trái tim để sống và để yêu…

Bài 1: Những số phận…


Nguyễn Tuấn Đạt đã hoàn toàn khoẻ mạnh sau ca phẫu thuật.


Nguyễn Tuấn Đạt năm nay 7 tuổi, đã lên lớp hai rồi. Cậu bé có khuôn mặt bầu bĩnh, thông minh và có phần khá hiếu động, luôn thấy chân tay cậu "khua khoắng" một vật gì đó ở xung quanh. Bố Đạt, anh Nguyễn Văn Hùng (Đội I, Xóm Lẻ, xã Yên Cường, Ý Yên- Nam Định) nhìn cậu con trai với vẻ trìu mến vô bờ, bởi sự hiếu động của Đạt giờ đây chính là niềm hạnh phúc quá lớn với vợ chồng anh.


Sinh ra mới được 20 ngày tuổi, Đạt đã bị sốt và ho, ho tới tím tái người. Bố mẹ mang Đạt đi khám ở bệnh viện tỉnh, rồi ra bệnh viện Nhi TƯ, thì được nghe tin sét đánh là con mắc bệnh tim bẩm sinh. Căn bệnh hiểm nghèo mà chỉ có một cách là phẫu thuật, nhưng ở thời điểm ấy, do Đạt còn quá nhỏ, mà bản thân gia đình cũng rất khó khăn (hai vợ chồng anh Hùng đều làm nông nghiệp, thu nhập 1 tháng là 3 triệu đồng trang trải cho tất cả mọi chi phí trong nhà), nên cũng đành để con sống chung với bệnh. Khi nào trái gió, trở trời là Đạt lại ho, sốt, người tím tái, nhiều lần còn ngất ở lớp, cô giáo lại gọi điện, bố mẹ lật đật đến đưa về… "Thương con đứt ruột, nhưng cũng chỉ đủ tiền mua thuốc cho con, nên mỗi lần như thế chúng tôi lại đưa cháu ra viện Nhi TƯ khám và mua thuốc. Thật sự cũng chưa lần nào dám nghĩ tới việc phẫu thuật cho con".


Cho tới cuối năm 2011, một đoàn bác sĩ của Trung tâm tim mạch của Bệnh viện E (Hà Nội) về khám bệnh tại huyện, phát hiện ra trường hợp của Nguyễn Tuấn Đạt, nên đã đề nghị với chương trình "Trái tim cho em" để xem xét mổ miễn phí cho em. Thủ tục được hoàn tất nhanh, và tới ngày 30/7, Đạt đã được nhập viện và mổ tim tại Trung tâm tim mạch của Bệnh viện E, với tổng kinh phí của ca mổ là 42 triệu đồng. Giờ đây, Đạt đã có một trái tim khoẻ mạnh như bất cứ đứa trẻ nào, em có thể chạy nhảy, nô đùa, vận động mạnh mà bố mẹ không phải canh cánh lo nữa.


"Cháu đã được lên khám lại lần 2, các bác sĩ nói cháu tiến triển tốt, tiếp tục uống thuốc để ổn định tim. Gia đình tôi mừng lắm. Thật sự, nếu không có chương trình "Trái tim cho em" thì không biết bao giờ chúng tôi mới đủ tiền mổ cho con, nhất là khi kinh tế khó khăn như vậy"- anh Hùng tâm sự.


Bé bỏng, gầy yếu hơn Đạt, cậu bé Trần Văn Mạnh, con anh Trần Văn Thanh (Gia Lạc, Gia Viễn, Ninh Bình), cũng vừa có "trái tim mới" vào giữa năm 2011. Sinh Mạnh ra được 9 tháng thì gia đình anh Thanh nghe tin sét đánh: Con bị tim bẩm sinh. Trái tim của Mạnh bị thông liên thất, nên con ốm đau liên miên, thường xuyên bị ho, sốt. "Thậm chí cháu không mấy khi tự đi đâu xa được. Mỗi lần đưa cháu đi khám bệnh là hai vợ chồng phải thay nhau bế cháu", anh Thanh nghẹn ngào cho biết.


Được các bác sĩ Bệnh viện Nhi TƯ thông báo là khi Đạt đủ 4 tuổi sẽ có thể phẫu thuật, vợ chồng anh Thanh về nhà cố gắng làm lụng để dành dụm tiền cho con mổ tim. "Nhưng cố mãi, cố mãi mà đến năm cháu 4 tuổi, chúng tôi cũng chỉ có chưa đến 10 triệu, không đủ tiền cho ca mổ", anh Thanh kể, "Thật may là khi xem ti vi, nghe tin về chương trình, chúng tôi đã đến lấy hồ sơ về khai cho con, và cũng thật may mắn là trường hợp của Mạnh đã được chương trình xét và cho mổ ngay".


Giờ đây, dù vẫn còn chưa thực sự khoẻ mạnh và cứng cỏi như những em nhỏ cùng trang lứa, nhưng sự nhanh nhẹn, nụ cười luôn hiện trên khuôn mặt em và khả năng tự vận động của Mạnh đã là một hạnh phúc "ngoài sức tưởng tượng" với vợ chồng anh Thanh. "Cháu đã bình thường trở lại rồi, thật là may mắn quá".


Bé Lý Văn Yêu- Yên Bái, một trong những bệnh nhân đã được phẫu thuật của chương trình.


Đạt, Mạnh… chỉ là 2 trong số 1.400 em nhỏ đã may mắn có được trái tim khoẻ mạnh nhờ chương trình "Trái tim cho em" trong suốt 4 năm qua (năm nay là năm thứ 5 chương trình được triển khai), với tổng kinh phí là 74 tỷ đồng. Những em nhỏ ấy, đến từ mọi miền đất nước, từ cả vùng sâu, vùng xa, tới vùng đồng bằng, từ Nam chí Bắc, nhưng cùng có chung một sự bất hạnh là căn bệnh tim bẩm sinh, và có chung một hoàn cảnh là gia đình quá nghèo để có thể lo được vài chục triệu cho ca mổ hồi sinh này.


Như ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Quỹ Tấm lòng Việt cho biết: "Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hàng chục ngàn cháu bé bị tim bẩm sinh, đây là một số lượng rất lớn. Nhưng điều đáng nói là 70-80% trong số đó lại có hoàn cảnh gia đình khó khăn, quá nghèo, không thể có cơ hội được mổ tim". Cũng theo ông Quang, dù chương trình đã vào cuộc, nhưng con số bệnh nhân nhi được mổ tim thật sự vẫn còn rất khiêm tốn so với con số bệnh nhân cần được mổ hiện nay. "Và vấn đề lớn nhất chính là kinh phí. Nếu có nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm, những sự đóng góp, thì cũng sẽ có thêm rất nhiều những em nhỏ được cứu sống, được trả lại cho một trái tim khoẻ mạnh", ông Quang cho biết.



T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN