Chính biến ở Burkina Faso

Quân đội Burkina Faso đã tiếm quyền, giải tán quốc hội và chính phủ, thành lập một chính quyền chuyển tiếp để phản đối kế hoạch kéo dài thời gian cầm quyền 27 năm của Tổng thống Blaise Compaore.

Tham mưu trưởng quân đội, tướng Nabere Honore Traore, thông báo với truyền thông tại thủ đô Ouagadougou: “Một cơ quan chuyển tiếp sẽ được thành lập để tham vấn với các bên. Trật tự hiến pháp sẽ quay trở lại trong vòng 12 tháng nữa”. Ngoài ra, lệnh giới nghiêm đã được áp đặt từ 19 giờ ngày 30/10 đến 6 giờ ngày 31/10 (tức 13 giờ Việt Nam).

Khói bốc lên ngút trời khi những người biểu tình đốt phá xe cộ bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Ouagadougou ngày 30/10. Ảnh: AFP/ TTXVN



Trước đó, sáng 30/10, hàng chục nghìn người dân Burkina Faso đã biểu tình rầm rộ sau khi chính phủ nước này hối thúc quốc hội sửa đổi hiến pháp theo hướng tạo điều kiện cho ông Compaore tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2015. Mặc dù chính phủ đã rút lại ý định sửa đổi hiến pháp nhưng vẫn không ngăn được làn sóng biểu tình đòi Tổng thống phải chấm dứt 27 năm cầm quyền.

Người biểu tình đã ập vào tòa nhà quốc hội, cướp phá và phóng hỏa, sau đó tiến đến trụ sở đài truyền hình quốc gia bất chấp hàng rào dày đặc cảnh sát. Trụ sở của đảng Đại hội vì Dân chủ và Tiến bộ cầm quyền cũng bị người biểu tình đốt. Tiếng súng nổ vang khắp thành phố, trực thăng quần thảo trên trung tâm thủ đô. 30 người thiệt mạng và 100 người bị thương trong cuộc bạo loạn này.

Ngày 31/10, Tổng thống Blaise Compaore đã tuyên bố sẽ từ chức, đồng thời kêu gọi một cuộc bầu cử "tự do và minh bạch" trong vòng 90 ngày. Nguồn tin ngoại giao và truyền thông địa phương cho biết một đoàn xe được vũ trang hạng nặng được cho là chở ông Compaore đã lên đường tới thị trấn Po ở miền nam, giáp biên giới với Ghana.

Chính biến ở Burkina Faso khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đang theo dõi sát sao diễn biến ở Burkina Faso, kêu gọi các bên kiềm chế, đối thoại để giải quyết mọi vấn đề. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bày tỏ lấy làm tiếc trước tình hình bạo lực và người chết ở Burkina Faso, kêu gọi các bên tránh gây thêm bạo lực, đồng thời cho biết Mỹ ủng hộ chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua bầu cử dân chủ.

Trước đó, kế hoạch sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Compaore đã khiến nhiều người dân Burkina Faso tức giận. Sau 27 năm dưới sự điều hành của ông Compaore, Burkina Faso đứng thứ 183 trong tổng số 186 quốc gia về chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc.

Năm 1987, ông Compaore mới chỉ 36 tuổi khi ông tiếm quyền trong một cuộc đảo chính lật đổ và ám sát một trong những lãnh đạo được yêu quý nhất châu Phi, Thomas Sankara. Ông Compaore nắm quyền từ đó, được bầu làm tổng thống 4 lần kể từ năm 1991, trong đó hai nhiệm kỳ 7 năm và hai nhiệm kỳ 5 năm.

Thùy Dương




Quân đội Burkina Faso tuyên bố tổng thống đã bị phế truất
Quân đội Burkina Faso tuyên bố tổng thống đã bị phế truất

Ngày 31/10, quan chức quân đội Burkina Faso, Đại tá Boureima Farta tuyên bố Tổng thống Blaise Compaore đã bị phế truất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN