Chiêu lách trần mới của ngân hàng

Ủy thác đầu tư là một nghiệp vụ thông thường của các doanh nghiệp (DN) và ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, do phục vụ lợi ích một nhóm cổ đông lớn và nhằm lách các quy định an toàn vốn, trần lãi suất huy động cũng như hạn mức tăng trưởng tín dụng, các NHTM đã chạy đua mở rộng dịch vụ này cho cả cá nhân và trả lãi hậu hĩnh hơn so với mức trần 14% đang áp dụng với loại hình tiền gửi tiết kiệm thông thường.

Theo các NHTM, chỉ với 100 triệu đồng trở lên, khách hàng có thể thực hiện dịch vụ ủy thác đầu tư. So với gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất của dịch vụ này cao hơn 20% so với mức trần quy định.

Trên thực tế, ủy thác đầu tư không phải là dịch vụ mới trên thế giới và ở Việt Nam, các ngân hàng cũng đã cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp từ lâu. Theo lý thuyết, đây là hình thức khách hàng giao vốn cho ngân hàng đem đi đầu tư kinh doanh, để được hưởng lợi tức theo các bài toán kinh doanh mà ngân hàng đặt ra. Đổi lại, khách hàng phải chấp nhận chia sẻ rủi ro với ngân hàng. Thông thường, lợi tức cao đi kèm với rủi ro cao, lợi suất cao nhất có thể đồng nghĩa với việc khách hàng có thể mất toàn bộ vốn gốc. Ngược lại, lợi tức thấp nhất thường có độ an toàn cao nhất. Cùng với tỷ lệ rủi ro mà mình lựa chọn, khách hàng phải trả phí khi ủy thác vốn cho ngân hàng đầu tư.

Hoạt động nghiệp vụ ở Ngân hàng Quốc tế (VIB). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm ủy thác đầu tư dành cho cá nhân mà ngân hàng triển khai hiện nay đều có lợi tức cố định, không kèm theo rủi ro và cũng không thu phí. Nó chỉ khác sổ tiết kiệm thông thường ở chỗ đến khi hết hạn hợp đồng, khách hàng muốn tiếp tục phải đến làm thủ tục gia hạn chứ không tự động chuyển kỳ hạn như tiết kiệm. Và đặc biệt, lãi suất ủy thác đầu tư cao hơn 2 - 4% so với tiết kiệm thông thường.

Dù vậy, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, lo ngại đằng sau dịch vụ ủy thác đầu tư này vẫn có sự biến tướng. Bởi thông qua việc ủy thác đầu tư này, các ngân hàng có thể lách quy định về trần lãi suất tiền gửi mà cũng lách được trần tăng trưởng tín dụng vì trên danh nghĩa, ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian, nhận "ủy quyền" để đầu tư sinh lời cho khách hàng, chứ không phải huy động. Đồng thời, người có tiền gửi cũng chỉ ủy thác vốn nhàn rỗi "nhờ" ngân hàng cho vay giúp, chứ không phải gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao. Nhưng nếu các NHTM lợi dụng ủy thác đầu tư để giúp “trá hình” giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất theo yêu cầu của NHNN thì sẽ bóp méo sự tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Đây thực sự là một nguy cơ tiềm ẩn những rủi ro cho hệ thống NHTM. Trong khi đó, không ai dám chắc quả “bom vốn” đầu tư chứng khoán thông qua công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng là an toàn, không xảy ra tình trạng khách hàng vay vốn đầu tư chứng khoán thua lỗ, bị âm tài khoản để rồi không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.

Mới đây, sau khi làm việc riêng với 19 NHTM, trong một buổi họp với các ngân hàng phía Nam, NHNN đã tuyên bố sẽ chấn chỉnh các hoạt động lách trần tăng trưởng tín dụng và một loạt các quy định khác. Theo NHNN, hầu hết 19 ngân hàng này đều có hoạt động đầu tư tài chính, trong đó đặc biệt là mua trái phiếu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động ủy thác đầu tư, ủy thác cho vay và các khoản phải thu là tiền mà ngân hàng đặt cọc mua chứng khoán, là những nghiệp vụ được ngân hàng sử dụng để gián tiếp tăng trưởng tín dụng.

Tính đến ngày 31/5/2011, tổng giá trị đầu tư tài chính của 19 ngân hàng cổ phần nhỏ và vừa mà NHNN đã làm việc là 88.635 tỉ đồng, bằng 15,2% so với tổng tài sản của cả 19 ngân hàng, tăng 2,1% (tức gần 1.800 tỉ đồng) so với thời điểm cuối năm 2010, nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng đến 93,9%. Trong đó, đầu tư vào chứng khoán do tổ chức kinh tế phát hành của 19 ngân hàng này là gần 42.700 tỉ đồng, chiếm 48% tổng giá trị đầu tư tài chính và chiếm tỷ lệ 17,9% tổng dư nợ của 19 ngân hàng. Đáng chú ý, có một số ngân hàng có số dư đặt cọc để mua chứng khoán đến hơn 1.000 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, để ngăn chặn rủi ro từ hoạt động ủy thác đầu tư, NHNN nên thường xuyên kiểm tra các khoản tài sản đi ngoài chính thống, theo đó yêu cầu các NHTM phải thuyết minh rõ ràng để nhà đầu tư và NHNN có thể giám sát. Từ đó, giúp NHNN đạt được những mục tiêu lớn trong điều hành kinh tế.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN