Trái lại, đồng yen Nhật Bản lại tiếp tục suy yếu khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 17/11 vừa đề xuất kế hoạch thu mua các trái phiếu không giới hạn. Động thái trên khiến thị trường nhận thấy ngân hàng này đang nghiêm túc trong nỗ lực giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức 0%.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 18/11, tại thị trường Tokyo, đồng USD thoát khỏi đà giảm nhẹ ở đầu phiên và tăng cao so với đồng yen, sau khi Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho rằng việc tăng lợi suất JGB kỳ hạn 2 năm và 5 năm là không thích hợp. Ông nhấn mạnh: "BoJ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo đường cong lãi suất đi đúng hướng nhằm giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu lạm phát 2%".
Cuối phiên, đồng USD giao dịch ở mức 110,67 yen/USD, tăng 0,5% so với phiên trước đó, sau khi có thời điểm chạm mức 110,78 yen/USD, mức cao nhất kể từ ngày 1/6. Tính chung cả tuần qua, đồng bạc xanh tăng 3,7% so với đồng yen.
Việc nền kinh tế Mỹ mới đón nhận thêm một số tín hiệu tích cực cũng tạo động lực giúp đồng nội tệ Mỹ đi lên, bởi nó củng cố thêm khả năng FED sẽ nâng lãi suất vào cuộc họp cuối năm nay. Cụ thể, lượng nhà khởi công xây mới của Mỹ trong tháng 10 đạt mức cao nhất chín năm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất 43 năm qua, còn chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 đạt mức tăng mạnh nhất trong sáu tháng. Mặc dù Chủ tịch FED Janet Yellen không nói rõ ràng về kế hoạch nâng lãi suất vào cuộc họp ngày 13-14/12 tới, song tại phiên điều trần trước Quốc hội mới đây, bà nhấn mạnh rằng việc nâng lãi suất có thể được thực hiện khá sớm.
Cũng trong phiên này, đồng euro giảm 0,2% so với đồng USD, xuống 1,0602 USD/euro, sau khi thoát khỏi mức thấp nhất kể từ ngày 3/12/2015 ghi nhận vào giữa phiên là 1,0582 USD/euro. Tính chung cả tuần này, đồng tiền chung châu Âu giảm 2,3% so với đồng USD.
Chỉ số USD (thước đo "sức mạnh" đồng USD so với giỏ tiền tệ chủ chốt) trong ngày 18/11 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2003. Chỉ số này tăng 2,2% trong cả tuần này.