Chè Shan tuyết - cây xóa đói, giảm nghèo ở Tuyên Quang

Na Hang là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất đồi núi dốc, rất khó khăn cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc huy động bà con các dân tộc trồng rừng phòng hộ bằng cây chè Shan tuyết trên vùng đồi núi dốc đã và đang mở ra hướng xóa đói, giảm nghèo mới bền vững cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Chủ trương trồng rừng phòng hộ bằng cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000, tại 4 xã: Sinh Long, Hồng Thái, Thượng Nông và Sơn Phú. Đến nay, toàn huyện Na Hang đã trồng được trên 1.100 ha chè Shan tuyết.

Cơ sở chế biến chè Công ty TNHH Việt Dũng.


Xã Sinh Long (huyện Na Hang) có diện tích chè Shan tuyết nhiều nhất huyện Na Hang, với trên 800 ha. Ông Hoàng Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Sinh Long, cho biết: “Do đặc điểm là xã miền núi diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp chủ yếu là đất đồi núi dốc, trước đây, xã chúng tôi loay hoay tìm đủ các loại cây trồng nhưng không có cây nào phù hợp. Từ khi cây chè Shan tuyết được đưa vào trồng, với lợi thế trồng được trên đất đồi dốc, khả năng chịu hạn tốt nên cây chè trở thành cây trồng chính của địa phương”.


Cũng theo ông Linh, tất cả diện tích trồng chè Shan tuyết của xã hiện nay được trồng trên diện tích đồi núi trước thường bỏ hoang và cũng nhờ cây chè mà nhiều hộ đã thoát nghèo. Trước năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 80% và là một xã nghèo nhất của huyện Na Hang, nhưng nhờ có dự án, đến nay hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn 40%.


Gia đình ông Hoàng Phin, dân tộc Dao, thôn Phiêng Ngàm (xã Sinh Long) trồng được hơn 20 ha chè Shan tuyết, ông Phin vui mừng nói: Sau 3 năm trồng và chăm diện tích chè được giao lại cho các hộ bảo vệ, thu hái. Hiện trung bình mỗi năm nhà tôi cũng thu được hơn 7 tấn chè, doanh thu đạt khoảng hơn 50 triệu đồng. Chè thu hái đến đâu được thu mua ngay đến đó. Và còn nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn huyện cũng thoát nghèo nhờ trồng chè Shan tuyết như hộ ông Chúc Văn Sếnh...


Ông Phùng Dùng Chấy, Trưởng thôn Lũng Phiêng, xã Sinh Long chia sẻ: Toàn thôn hiện có 50/86 hộ trồng chè Shan tuyết. Ngoài do chất đất, cây chè Shan tuyết ở đây được trồng ở độ cao trung bình khoảng 800 - 1.000 m so với mặt nước biển nên chè hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Đặc biệt, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... đều đảm bảo chất lượng chè sạch.


Để phát huy tiềm năng của vùng chè Shan tuyết, năm 2009, Công ty TNHH Việt Dũng đóng chân trên địa bàn huyện đã đầu tư 3 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền chế biến chè tiên tiến, với công suất 1 tấn nguyên liệu/ngày. Ngay sau khi đi vào hoạt động, toàn bộ chè búp tươi Shan tuyết của người dân huyện Na Hang được công ty thu mua với giá từ 8.000 - 12.000 đồng/kg chè búp tươi (cao hơn so với giá chè bình thường 3.000 - 6.000 đồng/kg).


Hiệu quả từ cây chè Shan tuyết đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp lên một bước mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là nông thôn miền núi. Ông Vân Đình Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang không giấu được niềm vui: Cây chè Shan tuyết không chỉ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phòng chống thiên tai mà còn đóng vai trò quan trọng trong chương trình xoá đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho các hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Hiện huyện Na Hang đang khuyến khích các xã có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp mở rộng diện tích trồng rừng bằng chè Shan tuyết.


Bài và ảnh: Vũ Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN