Châu Âu lạc quan với chủ tịch luân phiên mới

Hy Lạp đã chính thức đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong nửa đầu năm 2014, với hy vọng sự kiện này sẽ đánh dấu sự hồi sinh của nền kinh tế khu vực trong năm mới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Samaras tại lễ chuyển giao chức chủ tịch EU ngày 8/1. Ảnh: THX/TTXVN


Đây cũng được coi là một cơ hội để Hy Lạp - thành viên từng là “biểu tượng” của cuộc khủng hoảng nợ công tại EU - khôi phục uy tín đã bị sứt mẻ nghiêm trọng sau một thời gian dài nợ nần chồng chất, đến mức phải cầu viện gói cứu trợ quốc tế.


Phát biểu trong buổi lễ nhậm chức ngày 8/1 tại thủ đô Athens, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras coi đây là ngày đặc biệt cho mọi người dân Hy Lạp. Ông Samaras lạc quan rằng khi đã “tự đứng được trên chân của mình”, đến cuối nhiệm kỳ chủ tịch, Hy Lạp sẽ được xem như là một biểu tượng cho thấy châu Âu có khả năng vượt qua khó khăn như thế nào.


Đề cập đến những ưu tiên của Hy Lạp trong vai trò mới, Thủ tướng Samaras cho biết trọng tâm sẽ là “đánh gục” suy thoái và thất nghiệp, tái lập tăng trưởng kinh tế trong ổn định, phát triển chính sách hàng hải đồng thời tăng cường liên minh ngân hàng. Ông nhấn mạnh Hy Lạp sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu để đạt được thành công, đồng thời khẳng định chức chủ tịch EU là một cơ hội để thay đổi hình ảnh quốc tế của nước này.


Chia sẻ tinh thần lạc quan của ông Samaras, song Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso lưu ý rằng Hy Lạp đảm nhiệm vị trí chủ tịch EU trong thời điểm đặc biệt thách thức với cả đất nước và người dân Hy Lạp cũng như toàn bộ EU. Mặc dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng thách thức với quốc gia này vẫn còn nhiều, điều kiện xã hội khó khăn trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn “ngất ngưởng”.


Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định EU sẽ sát cánh với Hy Lạp cho đến khi nước này hồi phục, đồng thời tự tin rằng năm 2014 sẽ là năm tốt đẹp hơn với châu Âu và các mục tiêu sẽ đạt được.


Quay cuồng trong thâm hụt ngân sách và khối nợ công khổng lồ, Hy Lạp phải phụ thuộc vào gói cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ tháng 5/2010. Đúng như lời Thủ tướng Hy Lạp Amaras đã nói, để đổi lấy gói cứu trợ này, Hy Lạp đã phải hi sinh nhiều thứ, tằn tiện chi tiêu để cải tổ nền kinh tế, thậm chí còn có nguy cơ phải rời khu vực sử dụng đồng euro. Cắt giảm chi tiêu, liên tục tăng thuế đã khiến nhiều người dân bất mãn sâu sắc và làm bùng lên hàng loạt cuộc tổng đình công cũng như biểu tình bạo lực. Thậm chí, trước khi lễ nhậm chức chủ tịch EU luân phiên, Hy Lạp đã phải cấm mọi cuộc biểu tình trong vòng 18 tiếng tại khu vực trung tâm thành phố.


Chức chủ tịch EU luân phiên là vị trí để các thành viên chia sẻ trách nhiệm trong khối. Tuy nhiên, tầm quan trọng của vị trí này đã bị giảm bớt từ năm 2009 khi khối này có chức chủ tịch Hội đồng châu Âu lâu dài. Đây là lần thứ năm Hy Lạp đảm nhiệm vai trò chủ tịch EU luân phiên kể từ khi gia nhập khối này năm 1981.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN