Hộ gia đình anh A Thông (42 tuổi, người Xê Đăng, trú tại làng Tu Dốp 1, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã nhận trồng và chăm sóc hơn 30 hecta rừng, mỗi năm gia đình anh thu được hơn 100 triệu đồng. Gia đình anh A Thông có tới 7 đứa con. Trước đây, cuộc sống của các thành viên trong gia đình rất vất vả bởi gia đình anh chỉ có một ít diện tích đất rẫy để trồng bắp, lúa.
Cuộc sống gia đình A Thông đã thực sự thay đổi khi có chính sách giao đất cho người dân trồng và chăm sóc rừng. Anh đã cùng các thành viên trong gia đình nhận khoán và tham gia trồng rừng. Sau những tháng ngày nỗ lực lao động, gia đình anh đã có hơn 30 hecta rừng thông ba lá xanh tốt. Anh A Thông chia sẻ gia đình anh nhận trồng rừng vì thấy đất trống đồi trọc còn nhiều. Bên cạnh đó, anh muốn các thành viên trong gia đình có việc làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trồng rừng còn để để sau này con cái được hưởng lợi lâu dài.
Với 30 hecta rừng thông ba lá, hiện mỗi năm gia đình anh A Thông có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, dưới những tán rừng thông xanh tốt, gia đình anh còn kết hợp trồng thêm cây mỳ (sắn), khi thu hoạch mỳ, gia đình anh thu được khoảng 30 triệu đồng . Gia đình anh A Thông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5- 10 lao động địa phương mới mức thu nhập 150 ngàn đồng/1 ngày công.
Từ việc giao khoán trồng rừng cho người dân, từ năm 2014 đến nay tại Kon Tum đã có gần 1.400 hecta đất trống đồi trọc được phủ xanh với hơn 1000 hộ dân tham gia trồng và chăm sóc bảo vệ rừng. Từ những chính sách hỗ trợ về chi phí, tiền công mà những diện tích đất lấn chiếm, đất trống đồi trọc đã được phủ xanh. Nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng ở tỉnh Kon Tum được nâng lên.