Ra Giêng, khi những cơn gió tây nam dạt dào thổi về từ phía biển, cũng là lúc người dân Biên Hòa (Đồng Nai) lại háo hức với cái thú thả diều.
Thực ra, thả diều là một trò chơi không lạ với bất kỳ ai, bất kỳ vùng miền nào. Và Biên Hòa cũng thế. Khoảng 4 giờ 30 đến 5 giờ chiều, từng tốp người kéo nhau ra những bãi đất trống gần nhà, ra sân vận động hoặc những vùng đất quy hoạch rộng rãi để thả diều, cũng như để thả đi cái nhọc nhằn, vất vả cái nóng bức của mùa khô.
Cảnh thả diều rộn ràng tại khu đất gần di tích Nhà lao Tân Hiệp, T.P Biên Hòa - Ảnh: PV |
Để có được một con diều ưng ý, bạn chỉ cần bỏ ra bốn, năm chục ngàn đồng. Có rất nhiều loại diều để lựa chọn, nào diều cá mập, cá voi, diều nàng tiên cá, diều chim phượng chim công, diều chuồn chuồn, siêu nhân… Có người cẩn thận hơn đã tự làm cho mình những con diều ngộ nghĩnh với cái đuôi dài cả chục mét. Có những cụ già râu tóc bạc phơ chiều nào cũng ra ngắm lũ trẻ chơi diều. Giới trẻ cũng hồ hởi ra đây vừa thả diều, vừa chuyện trò, tán tỉnh, đôi khi là để trêu ghẹo một bóng hồng… Có những em bé mới tập làm quen thả diều, mãi mới thả được chừng chục mét dây, diều chưa kịp bay lên đã bổ nháo bổ nhào xuống đất. Thật vui mắt và rộn ràng. Ai cũng phá lên cười.
Thả diều không chọn lựa lứa tuổi, giới tính, đẳng cấp… mà ai cũng có thể chơi được. Có chị công nhân trong bộ quần áo đồng phục, có anh kỹ sư nai nịt gọn gàng, có người mẹ tất tả chở con trên chiếc xe đạp, cũng có những ông bố đi xế hộp tới thả diều…
Lúc còn nhỏ, ở quê (Hà Tĩnh), tôi cũng từng có những ngày tháng ngọt ngào với cánh diều mùa hạ. Mỗi dịp nghỉ hè, anh tôi lại đi chặt tre để làm diều sáo. Diều sáo trông có vẻ đơn giản nhưng không phải ai làm diều cũng bay cao, cũng cất tiếng dìu dặt. Anh tôi thường chọn những thân tre già, đủ độ cứng, vót nhẵn, to bằng ngón tay trỏ làm thân, sau đó dán giấy xung quanh vừa nhẹ vừa chắc để khi lên cao gió không quật rách được. Ngày trước không có keo, anh tôi thường lấy nhạ (một loại keo được nấu từ vỏ cây) để dán diều. Loại keo này nấu khá kì công nhưng được cái rất chắc, gió mạnh tới đâu cũng không thể bung ra được. Dưới thân diều, anh tôi gắn vào ba ống nứa đục sẵn lỗ để khi lên cao diều cất tiếng vi vu thú vị. Ngày đó ở quê không ồn ào như phố thị bây giờ, diều sáo được người ta thả trai (cả đêm lẫn ngày) ngoài đê để cất lên những âm thanh dìu dặt hằng đêm như ru dân làng vào giấc ngủ. Bây giờ thi thoảng ở Biên Hòa cũng có những cánh diều sáo, loại diều được làm bằng chất liệu công nghiệp nhưng cũng cất lên những âm thanh lạ tai. Có lần, khi tôi đi ngang sân vận động phía Trường Đại học Đồng Nai cũng thấy người ta thả diều sáo”.
Trò chơi thả diều rộn ràng nhất là vào tháng Ba dương lịch. Đến tháng Tư, khi những cơn mưa đầu mùa kéo đến, cũng là lúc người dân Biên Hòa cất những cánh diều và hẹn ra Giêng năm sau lại cùng nhau “chao liệng”.
Y Xuân