Cẩn trọng với biến chứng thủy đậu

Từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân khám và điều trị bệnh thủy đậu tại nhiều cơ sở y tế ở miền Bắc tăng mạnh so với mọi năm. Đáng tiếc là có khá nhiều trẻ mắc bệnh thủy đậu bị biến chứng nặng như viêm não, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng uốn ván...

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Vì sao năm nay số lượng bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu ở miền Bắc lại tăng hơn so với mọi năm, thưa ông?

Khi người bệnh có triệu chứng của thủy đậu cùng với sốt cao, đau đầu, hốt hoảng, li bì, co giật... thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tình trạng tăng số ca mắc thủy đậu năm nay có thể là tăng theo chu kỳ của bệnh. Đây là đặc điểm của hầu hết các bệnh nhiễm trùng lây truyền theo đường hô hấp mà chưa triển khai vắcxin trong Chương trình Tiêm chủng cho tất cả trẻ em. Khi xảy ra dịch, mọi người đều có cảm nhiễm với thủy đậu và có thể mắc bệnh từ nhẹ đến nặng. Thông thường bệnh ở người lớn nặng hơn ở trẻ em. Sau khi mắc bệnh, người ta sẽ có miễn dịch lâu dài suốt đời, ít khi mắc lại lần thứ hai. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp những trường hợp tái nhiễm có hay không có biểu hiện lâm sàng. Sau vài năm, khi số trẻ sinh ra và lớn lên mà trước đó chưa mắc bệnh, có tính cảm nhiễm cao, tích lũy sau vài năm với số lượng đủ lớn thì sẽ gây thành dịch. Chu kỳ này thường là 3 - 5 năm. Virút gây bệnh thủy đậu thường ít có biến đổi về kháng nguyên.

Hiện nay, các bà mẹ thường tự điều trị bệnh thủy đậu cho con trẻ tại nhà. Vậy, xin ông cho biết nếu điều trị không đúng cách thì bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng gì và cách phòng tránh ra sao?

Cán bộ y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới kiểm tra sức khỏe bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Mặc dù bệnh thường nhẹ và lành tính ở trẻ em, nhưng đôi khi bệnh thủy đậu gây biến chứng nặng như: Viêm phổi tiên phát (thường ở người lớn), nhiễm trùng huyết, viêm não, để lại di chứng thần kinh và tử vong. Các vết loét do mụn nước vỡ ra có thể bị nhiễm trùng thứ phát do các vi khuẩn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu mang thai và bị nhiễm virút Varicella zoster có nguy cơ sảy thai, đẻ non. Đặc biệt, nếu thai phụ nhiễm virút trong ba tháng đầu của thai kỳ thì sau này trẻ có nguy cơ cao mắc hội chứng dị tật bẩm sinh như điếc, mù, bệnh tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ… Ở bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh cũng diễn biến nặng hơn và hay bị tái phát. Trẻ em đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Các biến chứng nặng thường xảy ra phổ biến ở người lớn. Tỷ lệ chết/mắc ở người lớn khoảng 1/100.000 người, cao hơn gấp 30 - 40 lần so với trẻ em 5 - 9 tuổi.

Thủy đậu vốn là một bệnh nhẹ nhưng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như đã nêu. Do đó, phụ nữ mang thai không được tiếp xúc với người bệnh. Trẻ bệnh phải được cách ly, theo dõi trong suốt thời gian từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vẩy và cần nghỉ học 7 - 10 ngày. Giữ cho da của trẻ luôn luôn sạch sẽ, giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay. Hạ sốt bằng Paracetamol (không được dùng Aspirin). Bôi kem Acyclovir 5% để giảm ngứa, hạn chế thương tổn và bội nhiễm. Khi nốt phỏng vỡ, bôi thuốc xanh methylen làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn; không được bôi mỡ Tetracyclin, mỡ Penicillin hay thuốc đỏ. Nhỏ mắt, mũi thuốc sát khuẩn như Chloramphenicol 4 phần nghìn.

Tại sao Bộ Y tế chưa đưa loại vắcxin này vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, thưa ông?

Theo PGS.TS Phạm Nhật An, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ: Số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị vì biến chứng thủy đậu năm nay nhiều hơn hẳn so với mọi năm. Một số biến chứng ở bệnh nhi mắc thủy đậu gồm: Nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, viêm não, viêm cầu thận cấp… “Tại Khoa đang điều trị cho một trường hợp mắc thủy đậu (Nghệ An) bị biến chứng nhiễm trùng uốn ván rất nặng, nhiều khả năng do vệ sinh không đúng cách nên vi trùng uốn ván xâm nhập qua các nốt thủy đậu...”, PGS.TS Phạm Nhật An khuyến cáo.

Việc đưa vắcxin này vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng tùy thuộc vào gánh nặng bệnh tật, tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, giá thành hiệu quả của việc tiêm chủng và các nguồn lực. Một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản đã đưa tiêm phòng thủy đậu vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và cho thấy có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu. Ở các nước đang phát triển, các bệnh khác đóng vai trò quan trọng hơn và triển khai các vắcxin có tác động lớn hơn như: Bệnh viêm gan B, viêm phổi do Hib, tiêu chảy do rotavirút… Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo đưa vắcxin thủy đậu vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở các nước đang phát triển.

Để tự phòng bệnh, người dân nên chủ động tiêm phòng vắcxin thủy đậu như thế nào?

Tiêm phòng vắcxin thủy đậu là biện pháp có hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vắcxin được tiêm lúc trẻ được 1 tuổi trở lên. Về nguyên tắc tiêm 1 mũi vắcxin thủy đậu (tiêm dưới da 0,5ml) là đủ (bất kể ở lứa tuổi nào). Tuy nhiên, một số nước trên thế giới tiến hành tiêm nhắc lại mũi vắcxin thứ hai lúc trẻ 4- 6 tuổi hay lớn hơn để đạt hiệu quả bảo vệ tối đa.

Lưu ý, phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nên tiêm vắcxin phòng thủy đậu để đề phòng hội chứng dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Nếu dự kiến có thai thì cần phải theo dõi ít nhất 1 tháng sau khi tiêm vắcxin và tốt nhất chỉ nên mang thai sau khi tiêm vắcxin 3 tháng.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN