Tối 10/6, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin với Bác” và trao giải thưởng cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 4.
Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đã đến dự.
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã hoan nghênh, biểu dương các đơn vị đã có sáng kiến trong việc tổ chức cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và chúc mừng các tác giả có tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi. Phó Thủ tướng cho rằng sức mạnh lan tỏa của các tác phẩm viết về những tấm gương “người tốt, việc tốt” chính là đã khai thác được chiều sâu suy nghĩ cũng như hành động, việc làm thiết thực của nhân vật. Mặt khác, cần có thêm những hình thức phong phú hơn để quảng bá gương “người tốt, việc tốt”, góp phần đưa việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên của mọi người.
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc vận động sáng tác - quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 4 năm nay, Báo Quân đội nhân dân đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội tổ chức thành công cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. So với các lần trước, cuộc thi lần này đa dạng và phong phú hơn về mọi mặt. Bên cạnh các tác phẩm viết về những người tình nguyện làm việc thiện cứu giúp người khác kém may mắn trong cuộc sống, có nhiều tấm gương làm công tác nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực của cuộc sống.
Tại chương trình giao lưu, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao giải nhất cho tác phẩm “Một cách yêu biển, đảo Việt Nam” của tác giả Đoàn Xuân Bộ (Báo Quân đội nhân dân viết về tấm gương hai em sinh viên Cao Huy Hiệp và Nguyễn Bá Phúc (lớp K53, khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Đây là hai em đã cùng nhau tiến hành nghiên cứu hàng trăm tài liệu và gặp những nhân chứng lịch sử để xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về khẳng định chủ quyền biển, đảo nói chung, Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng là của Việt Nam. Trên cơ sở đó, hai em đã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao những nhận thức về chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình đào tạo các cấp học.
Nguyễn Cường