Cải cách thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp giảm nợ đọng thuế

Ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Từ nay tới cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chú trọng giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, tạo điều kiện các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nợ đọng thuế.

Áp lực nợ thuế

Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2017, tổng số tiền thuế nợ là 75.534 tỷ đồng; tỷ lệ tổng nợ trên tổng dự toán thu nội địa là 8,1%, trên tổng thu ngân sách Nhà nước là 6,2%. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu đến 90 ngày và trên 90 ngày là 29.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% tổng số tiền thuế nợ; tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp là 18.738 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,8% tổng số tiền thuế nợ.

Tuy nhiên, các khoản nợ xấu còn khá lớn. Tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh không có khả năng thu hồi là 27.327 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,2% tổng số tiền thuế nợ.

Trong ảnh: Cán bộ phòng thuế tư vấn hỗ trợ người nộp thuế kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN.

Theo Tổng cục Thuế, ngành thuế sẽ chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất với bộ, với ủy ban nhân dân các giải pháp về cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế (mục tiêu 6,7%), tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các “tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”; các hội nghị đối thoại, tập huấn chính sách thuế mới nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý thuế. .

“Đối với các trường hợp thuộc diện cưỡng chế thì kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Tổng cục Thuế sẽ tổ chức kiểm điểm định kỳ hàng tháng việc thực hiện cưỡng chế nợ của các cục thuế địa phương”, ông Toản cho biết.

Ưu tiên cải cách thủ tục thuế

Theo chuyên gia trong lĩnh vực tài chính Ths. Phạm Thị Tường Vân: Để giảm nợ xấu về thuế có 2 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, từ cấp độ quốc gia, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thực hiện thông qua việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ 2 về thủ tục thuế, đặc biệt các chính sách về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bổ sung hai đối tượng thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sẽ có 2 lợi ích: một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ tốt pháp luật thuế được nhanh chóng giải quyết hoàn thuế và đơn giản hóa thủ tục giải quyết hoàn thuế; mặt khác, thúc đẩy người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế để được hưởng những thuận lợi về thủ tục thuế;

Luật Quản lý thuế đã được sửa đổi nhằm chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thông qua quy định giảm mức phạt chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống mức 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng; không thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp được cho phép nộp dần tiền nợ thuế nhưng không quá 12 tháng.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có tiền để nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ. Số tiền chậm nộp thuế mà doanh nghiệp được miễn trừ không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán.

Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong năm nay, một số các chính sách sẽ được triển khai như: Mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ là 15% sẽ được thực hiện trong năm 2017 - 2018; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành, lĩnh vực thực sự cần khuyến khích.

Đề cập tới việc thu hồi nợ đọng thuế, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tính đến 31/5, toàn ngành Thuế đã đôn đốc, thu được 22.076 tỷ đồng nợ thuế, đạt tỷ lệ 46,7% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, thu bằng biện pháp đôn đốc nợ là 16.513 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.563 tỷ đồng.

“Có 22/63 địa phương thu đạt khá, trên mức 42%, tiêu biểu như: Quảng Nam, Đồng Nai, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Hà Nam, Sơn La, Ninh Thuận, Quảng Bình, Vĩnh Long, Long An, Phú Yên, An Giang, Lai Châu, Trà Vinh...”, đại diện Tổng cục Thuế nói.

Từ nay tới cuối năm, ngành thuế sẽ đôn đốc thu hồi nợ thuế, thu đạt tối thiểu 97% số nợ thuế trên/dưới 90 ngày năm 2016 chuyển sang; đảm bảo số nợ đến 31/12/2017 không quá 5% tổng thu. Thu ít nhất 20% tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và tiền thuế nợ trên 90 ngày.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Kinh doanh nhỏ lẻ, bán quần áo, cắt tóc... chịu thuế thế nào?
Kinh doanh nhỏ lẻ, bán quần áo, cắt tóc... chịu thuế thế nào?

Tôi có mở một tiệm cắt tóc nhỏ tại nhà, đã hoạt động được gần 5 năm. Gần đây, cơ quan thuế đến yêu cầu tôi phải đóng thuế cho việc mở tiệm cắt tóc. Xin hỏi luật sư tôi có phải đóng thuế hay không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN