Cái bếp mà biết... nói năng

Bếp không chỉ là nơi “nấu nướng” mà còn là nơi “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Thời nay khá nhiều cặp vợ chồng “teen” lục đục vì siêu đoảng.

Trứng đúc... tỏi

Trong khu tập thể Bộ Công an ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), chiều chiều, rất nhiều các bà, các mẹ “giao lưu” dưới sân khu nhà. Trong những câu chuyện của họ, không ít người dốc bầu tâm sự về tài nội trợ của các nàng dâu. Một bác kể: Con dâu tôi, ai nhìn cũng khen xinh, ăn mặc hiện đại.

Giỏi tiếng Anh, vi tính, công nghệ 3 - 4G học rất nhanh nhưng chỉ riêng việc nấu bếp không hiểu sao nó lại chậm tiến thế. Từ hồi yêu nhau đến lúc cưới rồi về làm dâu, số lần nó nấu cơm cho nhà chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lúc đầu mình nghĩ con gái gì mà lười quá. Sau này mới phát hiện ra, nó chẳng biết làm gì nên ít khi mon men vào bếp. Không lần nào nó vào bếp mà không đổ vỡ một cái gì đó, khi thì vỡ bát, lúc thì vỡ ấm chén...

Một bác thì dốc bầu tâm sự: Con dâu nhà này cũng vậy. 25 tuổi, biết đến 2 ngoại ngữ nhưng lại không phân biệt nổi cá chép với cá mè, thịt mông, thịt dọi. Sai con làm trứng rán, khi bê ra không ai ăn được miếng nào. Hóa ra nó đúc trứng với... tỏi.

Hôm rồi mẹ chồng bận, nhờ con dâu làm cá hộ. Nó loay hoay một hồi rồi rít rít: Mẹ mua cá béo quá, chẳng thấy tí ruột nào. Hóa ra dâu @ mổ cá... đằng lưng. Nghe đến đây mấy bác cùng rộ lên cười, mặc người kể chuyện cố nén tiếng thở dài.

Mặc dù thời nay, các mẹ chồng đã không còn quá xét nét nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ chấp nhận con dâu siêu đoảng.

Thèm... cơm nhà

Đôi bạn trẻ Thảo - Miên may mắn mới lấy nhau đã có điều kiện được gia đình cho ở riêng. Căn nhà hạnh phúc ngày mới cưới được trang trí bắt mắt, hiện đại. Gian bếp đầy đủ các vật dụng đắt tiền nhưng số ngày bếp “nổi lửa” chẳng có mấy. Đơn giản vì Thảo thỏa thuận với chồng phương án “vừa nhanh vừa tiện”.

Thay vì phải vào bếp, Thảo lên kế hoạch 1 tuần cứ ngày chẵn thì ăn cơm nhà ngoại, ngày lẻ ăn cơm nhà nội, chủ nhật thì bánh mỳ hay mì ăn liền để đỡ phải nấu nướng.

Thời gian đầu, cuộc sống có vẻ yên ổn nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau cưới, mọi người bắt đầu thấy Miên thở dài. Hết giờ làm, Miên nhập bọn cùng cánh đàn ông chưa vợ đi nhậu, bia bọt, giục cũng chẳng về.

Miên tâm sự: Thi thoảng đến nhà bố mẹ còn được quý. Ngày nào cũng đến, tự dưng thành kẻ ăn chực nằm chờ. Lấy nhau lâu rồi mà chẳng được ăn bữa cơm vợ nấu. Mình thèm cảm giác hai vợ chồng cùng nấu cơm nhưng vợ thích an nhàn mà cũng chẳng biết làm nên đành chịu.

Buồn chán, Miên để mặc vợ về nhà bố mẹ “xin cơm”, Miên cũng tự tìm bữa riêng. Bị chồng bỏ rơi, Thảo cũng ấm ức cho rằng mới cưới nhau mà chồng đã không coi trọng mình nữa.

“Nấu ăn làm gì, có tiền ra hàng ăn, vừa ngon, vừa đỡ mất công rửa bát” - mới cưới, vợ chồng còn son trẻ, lúc nào cũng thiếu thời gian đi chơi nên nghe thế, chồng Thủy cũng xiêu lòng.

Tối tối dẫn nhau ra đường, thích món nào “xào” món đó. Nhưng được hơn nửa tháng thì tiền trong nhà... đã vơi. Thủy giật mình ngồi nhẩm tính, mỗi bữa ăn ở ngoài cũng hết tới hơn trăm nghìn mới tạm “lửng dạ dày” và đủ chất.

Lương vợ chồng trẻ chẳng đủ cho việc ăn ngoài, chưa nói đến vạn thứ phải chi tiêu. Vợ chồng cô gần như không còn tiền tích lũy để dành cho việc sinh con sau này.

Một lần, đi ăn khuya về thì chồng Thủy bị đau bụng, sốt nóng. Cô loay hoay muốn nấu cháo giải cảm cho chồng mà chẳng biết phải làm sao. Cô đành cầu cứu mẹ đi xa hơn 10km đến nấu cháo và đánh gió hộ.

Nhìn con rể, mẹ cô biết ngay con bị ngộ độc thức ăn, bà đặt nồi cháo đậu xanh còn nguyên cả vỏ để giải độc. Quả nhiên, sáng ra, nhờ có bát cháo “nấu tại gia” đó mà chồng Thủy lành bệnh.

Thu Hà (nhân viên văn phòng) cũng vì không biết nấu mà rơi vào cảnh khá éo le. Hôm đó, một người bạn nối khố của chồng ở nước ngoài lâu ngày đến thăm nhà cô. Hà đã chắc mẩm sẽ đưa bạn ra một nhà hàng gần đó để chiêu đãi, ngờ đâu người bạn chỉ thèm ăn mắm tép chưng thịt, canh cua rau rút đúng theo kiểu quê nhà. Gợi ý ra quán thế nào bạn cũng không đổi ý, Hà đành vào bếp trong tình trạng “khóc dở mếu dở”.

Vừa làm vừa gọi điện về hỏi mẹ công thức nhưng lóng ngóng vì chưa được “thực hành” bao giờ. Hì hụi mãi trong bếp, cả khách và chủ đều đói meo mà vẫn không món nào ra món nào. Chồng cô lại phải chạy ra đầu ngõ mua tạm con ngan về đãi bạn.

Bữa cơm hôm đó, cô cảm giác gương mặt mình cứ đỏ dần vì ngượng. Hà càng ân hận, biết thế ngày xưa, cô đã không coi bếp núc là chuyện vớ vẩn...

Theo TGPN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN