Cách tính GDP đúng quy định của Liên hợp quốc

Dư luận trong và ngoài nước đang nghi ngờ về tính xác thực và minh bạch của các con số liên quan đến chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) mà Tổng cục Thống kê đã đưa ra.


Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm(ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 

Vừa qua, dư luận hoài nghi về cách tính GDP của Tổng cục Thống kê, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?


Thực hiện Quyết định số 183 - TTg ngày 25/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê đã áp dụng các khái niệm, nguyên tắc, nguồn thông tin và phương pháp tính GDP theo đúng quy định trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) của thống kê Liên hợp quốc.

 

 


Dựa vào phân tích luồng chu chuyển thu nhập và chi tiêu trong nền kinh tế, các nhà kinh tế đã chỉ ra mối quan hệ đẳng thức giữa tổng sản phẩm trong nước với tổng thu nhập từ sản xuất và tổng chi tiêu trong nền kinh tế. Các đẳng thức này là cơ sở lý luận của ba phương pháp tính chỉ tiêu GDP. Đó là phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập.

 

May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hiện nay, Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng để tính chỉ tiêu GDP hàng quý và cả năm; phương pháp thu nhập được áp dụng 5 năm một lần vào những năm tiến hành điều tra chuyên sâu để lập bảng cân đối liên ngành. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hàng năm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đến Việt Nam kiểm tra nguồn thông tin và phương pháp tính chỉ tiêu GDP do Tổng cục Thống kê thực hiện và các tổ chức này đều khẳng định phương pháp tính của thống kê Việt Nam theo đúng phương pháp của thống kê Liên hợp quốc. Hiện nay, họ không đặt vấn đề kiểm tra đối với thống kê Việt Nam mà hoàn toàn tin tưởng, sử dụng số liệu GDP do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố.


Do vậy, việc một bộ phận dư luận hoài nghi về cách tính GDP của Tổng cục Thống kê là không có cơ sở. Những ý kiến này thể hiện sự hiểu biết không thấu đáo và sai lệch về hệ thống tài khoản quốc gia, về chất lượng thông tin thống kê và phương thức tổ chức hoạt động thống kê của nước ta.


Việc các địa phương tính toán GDP “mỗi nơi một kiểu” có phải là lý do khiến kết quả đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế thiếu chính xác hay không, thưa ông?


Tổng cục Thống kê đã biên soạn tài liệu hướng dẫn và triển khai tập huấn để áp dụng thống nhất cho tất cả các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thu thập thông tin, biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Vì vậy, không thể nói các địa phương tính GRDP mỗi nơi một kiểu. Tuy vậy, sau 20 năm thực hiện tính toán GRDP của địa phương, đã phát sinh hiện tượng chênh lệch số liệu GDP của toàn bộ nền kinh tế với GRDP của các địa phương.


Tổng cục Thống kê đã xác định nguyên nhân của hiện tượng chênh lệch số liệu này để đưa ra giải pháp khắc phục triệt để trong những năm tới.


Hiện nay, Tổng cục Thống kê trực tiếp tính chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, không dựa trên cơ sở cộng đơn thuần số liệu GRDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các Cục Thống kê tính GRDP cho cấp tỉnh theo phương pháp sản xuất chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo, điều hành kinh tế -xã hội của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp ở địa phương.

 

Do vậy, tôi cho rằng, tình trạng chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương không ảnh hưởng đến tính chính xác của số liệu GDP tính cho toàn bộ nền kinh tế và không ảnh hưởng tới đánh giá “sức khỏe” của toàn bộ nền kinh tế.

 

Có ý kiến cho rằng, việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương hàng năm còn do áp lực hoàn thành các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

 

GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, các nguyên tắc và phương pháp luận chỉ phù hợp tính cho toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, phần lớn các nước trên thế giới chỉ tính GDP cho phạm vi toàn bộ nền kinh tế, song cũng có một số nước tính cho phạm vi cấp tỉnh hoặc vùng như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Canada, Australia, Hàn Quốc. Ở Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ sự lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Đảng bộ và chính quyền cấp tỉnh, Tổng cục Thống kê đã chỉ đạo tập trung, thống nhất các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn theo phương pháp sản xuất.


Theo tôi, một trong những nguyên tắc quan trọng phải áp dụng trong tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP đó là nguyên tắc thường trú. Theo nguyên tắc này, đơn vị thu thập thông tin để tính toán phải là “đơn vị cơ sở sản xuất thường trú”, nghĩa là đơn vị kinh tế chỉ tham gia vào một hoạt động sản xuất ở một địa điểm cố định. Rất khó áp dụng nguyên tắc này để thu thập thông tin tính GRDP.

 

Tôi lấy ví dụ: Chẳng hạn một doanh nghiệp xây dựng đăng ký trụ sở chính tại Hà Nội, trúng thầu xây dựng ở Hải Dương, áp dụng nguyên tắc thường trú thì kết quả hoạt động xây dựng tại Hải Dương phải được tính vào GRDP của Hải Dương. Trong trường hợp này, Cục Thống kê tỉnh Hải Dương rất khó thu thập thông tin từ doanh nghiệp xây dựng của Hà Nội. Thêm nữa, việc chấp hành chế độ kế toán của khối doanh nghiệp chưa tốt, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, làm ảnh hưởng đến chất lượng thông tin thu thập của các cuộc điều tra thống kê.


Ngoài ra, việc tính chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế một số địa phương đúng là chịu nhiều áp lực với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Hầu hết chỉ tiêu tăng trưởng GRDP được cấp tỉnh thông qua đều khá cao, chưa phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của địa phương.


Xin cảm ơn ông !


Thúy Hiền (thực hiện)

Thống kê chính xác sẽ định hướng đúng thị trường
Thống kê chính xác sẽ định hướng đúng thị trường

Gần đây, khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu khách đến Việt Nam trong tháng 2 đạt hơn 570.470 lượt, giảm 18% so với cùng kỳ, Tổng cục Du lịch cho rằng số liệu chưa chính xác. Đây không phải là lần đầu, Tổng cục Du lịch cho rằng, số liệu thống kê “bị vênh” so với thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN