Gần đây, khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu khách đến Việt Nam trong tháng 2 đạt hơn 570.470 lượt, giảm 18% so với cùng kỳ, Tổng cục Du lịch cho rằng số liệu chưa chính xác.
Đây không phải là lần đầu, Tổng cục Du lịch cho rằng, số liệu thống kê “bị vênh” so với thực tế. Năm 2011, tổng lượng khách công bố là 6,01 triệu lượt, Tổng cục Du lịch cũng cho rằng còn thiếu gần 200.000 lượt khách quốc tế. Thống kê lượt khách năm 2012, là hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế cũng tạo ra nhiều ý kiến khác nhau sự chính xác con số này.
Số liệu chưa đầy đủ
Theo Luật Du lịch 2005, khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch; trừ trường hợp đi học, đi làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến. Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch. Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, đi du lịch trong Việt Nam là khách du lịch nội địa.
Du khách tham quan đảo Phú Quốc bằng đường biển. |
Với khái niệm trên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Kể cả đối tượng đi hội họp, thăm thân, chữa bệnh cũng được coi là khách du lịch vì các đối tượng đều sử dụng dịch vụ. Vì thế, trong du lịch có loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch chữa bệnh…
Đơn cử như loại hình du lịch chữa bệnh người dân Capuchia đến TP Hồ Chí Minh rất thịnh hành những năm trước. Năm 2012, lượng khách giảm 21,6% là do chính chúng ta sang bên đó xây dựng bệnh viện để đáp ứng nhu cầu tại chỗ thì đương nhiên lượng khách giảm.
Khách làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). |
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: "Con số lấy từ nguồn Tổng cục Thống kê là chính xác bởi nó cập nhật lượng khách nhập cảnh Việt Nam dựa trên con số của Biên phòng, công an cửa khẩu. Con số khách quốc tế này nhỏ hơn tổng lượt người nước ngoài vào Việt Nam vì đã loại đi đối tượng lao động, đi học không được tính là khách du lịch”.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành du lịch thừa nhận, con số này chỉ mang tính cơ học thuần túy và ít có ý nghĩa trong việc định hình thị trường chuyên sâu. Con số này không nói lên được thời gian lưu trú, tổng mức chi tiêu, loại hình mà khách nhắm đến. Đó là chưa kể, trong tổng lượng khách trên, khách Trung Quốc đi du lịch qua đường biên giới thường là khách chi tiêu thấp. Đó là lý do mà nhiều chuyên gia trong ngành du lịch đề xuất có những thống kê chi tiết hơn, chính xác hơn để có thể làm căn cứ cho các chính sách xúc tiến quảng bá, đầu tư cho các điểm du lịch, hình thành những dịch vụ chuyên sâu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh thẳng thắn: Vì dựa trên số liệu của ngành thống kê nên chúng tôi chỉ gọi là khách quốc tế, chứ khách du lịch quốc tế chỉ nên tính là khách đi du lịch thuần túy. Lượt khách quốc tế bao gồm rộng cả đối tượng đi công tác, thăm thân, chữa bệnh…
Hợp tác để có số liệu thực
Do chưa thống nhất về những tiêu chí khách quốc tế nên đôi khi số liệu của hai ngành thống kê và du lịch thường vênh nhau. Gần đây nhất, thống kê khách quốc tế đến trong tháng 2/2013, số liệu của Tổng cục Thống kê về khách quốc tế vào bằng đường biển chỉ 20.000 lượt thì lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng, riêng Saigontourist trong tháng 2 đã đón 28.000 khách tàu biển, chưa kể các doanh nghiệp khác.
Khách tham quan chiến khu rừng Sác tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). |
Không chỉ vênh nhau về con số, ngành thống kê cũng nhận thấy số liệu trên không nói lên gì nhiều cho công tác hoạch định chính sách nên cũng đã có những cuộc khảo sát chuyên sâu tại cơ sở lưu trú, điểm du lịch.
Tại hội thảo về du lịch cuối năm 2012, Tổng cục thống kê công bố khảo sát tại một số trung tâm du lịch cho thấy, bình quân khách quốc tế đi một tour ở Việt Nam trên 12 ngày, mức chi tiêu là hơn 1.268 USD, tăng 11% so với năm 2009, ngoài ra khách chi thêm bên ngoài tại các điểm hấp dẫn bình quân là 62 USD mỗi khách/ngày, tăng 3,6%.
Trong khi đó với khách trong nước, nếu tự tổ chức đi một người chi 3,35 triệu đồng trong gần 4 ngày, tính bình quân tiêu 977.000 đồng/ngày. Đáng chú ý là số ngày không tăng mà còn giảm xuống so với năm 2009. Mức chi thêm mua các dịch vụ khác là không nhiều. Theo đánh giá vào năm 2010, số khách ở các cơ sở lưu trú là 46,3 triệu lượt, tăng 8,3% so với năm 2009. Trong đó khách quốc tế là 16 triệu lượt khách. Tuy nhiên, việc thống kê khách nội địa gặp nhiều khó khăn do khách tự đi, không ngủ tại cơ sở lưu trú mà ở nhà người thân và chưa thống kê được con số này.
Tổng cục Du lịch đang thực hiện đề án xây dựng hệ thống thống kê du lịch theo mô hình tài khoản vệ tinh du lịch. Tuy nhiên đề án này mới dừng ở cấp độ nghiên cứu và tìm hiểu. |
Trong khi đó, dự án EU tài trợ cho du lịch có trách nhiệm cũng tiến hành khảo sát thống kê thử nghiệm tại Hà Nội cho thấy: Khách nội địa chi tiêu bình quân là 167.000 đồng/người/ngày và có tới 46% khách du lịch nội địa lưu trú qua đêm tại nhà người thân. Anh Trần Đức Thắng, chuyên viên của dự án EU nhận xét: Đợt thống kê thử nghiệm vừa rồi tiến hành chủ yếu trên cơ sở phát phiếu thăm dò tại các điểm du lịch chính của Hà Nội, đầu mối giao thông, phỏng vấn nhanh. Do tiêu chí mở rộng và phương pháp mới nên số liệu cũng khác với số liệu của Tổng cục Thống kê.
Tổng cục Du lịch thừa nhận, công tác thống kê mới chỉ phản ánh trên ba chỉ tiêu: Khách quốc tế đến Việt Nam (phụ thuộc vào Tổng cục Thống kê); khách du lịch nội địa; nguồn thu của ngành du lịch. Các chỉ số này cũng được chính Tổng cục Du lịch cho rằng thiếu đầy đủ và chất lượng không cao. Một chuyên gia du lịch cho rằng: Thống kê khách du lịch nội địa hầu hết các địa phương đều áng chừng rồi tự tổng hợp. Đơn cử như thống kê lượng khách Yên Tử, do không bán vé nên thống kê lượng khách đều ang áng. Mỗi đơn vị một số liệu. Bản thân lực lượng thống kê tại các Sở VH,TT&DL cũng không có nhân lực để làm việc này nên chỉ tổng hợp số liệu khách đến các điểm di tích, điểm du lịch rồi cộng vào. Chính vì số liệu không chính xách nên các kế hoạch, chiến lược đều chung chung và không có số liệu chính xác để giúp cấp có thẩm quyền ra quyết sách.
Anh Trần Đức Thắng cho rằng: Thống kê du lịch nội địa hiện nay chưa chính xác là do chưa thống nhất khái niệm "môi trường sống thường xuyên" của khách và các tỉnh hay bị đếm trùng lặp một đối tượng khách trong một chuyến đi qua nhiều tỉnh nên khi tổng hợp số liệu (cộng số liệu báo cáo của các tỉnh) dẫn đến số liệu không chính xác. Để khắc phục tình trạng này, chỉ cần điều tra tại hộ gia đình nhưng chi phí rất lớn.
Chính vì vậy, dự án EU về du lịch đề xuất thiết lập mô hình hợp tác liên ngành giữa Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch để điều tra một mẫu về du lịch trong cuộc điều tra mức sống dân cư trong giai đoạn trước mắt; kết hợp điều tra bổ xung khách du lịch tại các điểm tham quan, đầu mối giao thông, nâng cấp thống kê tại cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch.
Bài và ảnh:Xuân Minh - Thu Thủy