Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, mô hình nhà sàn ở ven sông, ven biển nhằm thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu và nước biển dâng không những phù hợp với điều kiện thiên nhiên, mà còn phù hợp với điều kiện kinh tế eo hẹp của người dân vùng khó khăn như huyện Ngọc Hiển.
Sau 3 năm thử nghiệm mô hình nhà sàn ở ven sông, ven biển, hai huyện Ngọc Hiển và Năm Căn đã có trên 600 căn nhà được làm mới theo hình thức này. Nhà được cất cao, cách mặt đất từ 1 -1,5 m, làm bằng cây gỗ đước, ít tốn kém. Nhà sàn trên cao có tác dụng tránh ẩm thấp của nước mặn ven biển, lại đảm bảo vệ sinh, tiện lợi. Đặc biệt là khi triều cường lên cao, nhà không bị ngập nước. Ngoài ra, ở nhà sàn không cần phải trang bị bàn ghế, giường ngủ.
Anh Trần Văn Phụng, nhà ở Xóm Mũi cho biết, dụng cụ để cất nhà sàn rất đơn giản. Cột nhà làm từ cây đước sẵn có tại chỗ, mái lợp bằng lá dừa nước cũng có tại chỗ, chi phí cất một căn nhà sàn từ 1-2 triệu đồng, phù hợp với túi tiền của người nghèo, giá trị sử dụng 10 năm trở lên. Nhà sàn đủ sức chống chọi với nước biển dâng cao 1 m.
Huyện Ngọc Hiển và huyện Năm Căn là hai huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiện có trên 3.000 hộ dân đang sinh sống ven sông ven biển, thường xuyên đối mặt với triều cường. Vì vậy, cất nhà sàn để ở là cách tốt nhất để sống chung với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.
Trần Thành Nên