Những năm 1990, Việt Nam còn là một trong số quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo, đói cao, khoảng 59% (theo số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, trong đó tình trạng thiếu vốn sản xuất đứng ở vị trí hàng đầu trong khi lĩnh vực tín dụng bao gồm tín dụng ngân hàng và tín dụng nhà nước đều do hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh quản lý và cho vay với những phương thức, thủ tục không khuyến khích được người nghèo tiếp cận vốn vay. Hộ nghèo và đối tượng chính sách làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. |
Trước thực trạng đó, bắt đầu từ tháng 3/1995, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (NHNNoVN) khởi xướng cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (NHNTVN) góp vốn xây dựng Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo với tổng số tiền ban đầu là 400 tỷ đồng, giao cho NHNoVN quản lý, thực hiện cho hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại và không phải thế chấp tài sản. Qua 5 tháng triển khai cho vay từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo đã có gần 500.000 hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc được vay vốn phát triển sản xuất. Song do thực tế nguồn vốn của Quỹ quá nhỏ, 400 tỷ đồng, còn số hộ nghèo cần vay vốn lại quá lớn, khoảng 4 triệu hộ, nên đã xảy ra tình trạng cho vay chia đều, trải mỏng, thậm chí có nơi mỗi hộ nghèo chỉ được vay trên dưới 200.000 đồng. Hiệu quả của chương trình vì thế chưa được thể hiện rõ rệt.
Trước những thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội và để khắc phục những hạn chế của Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo, ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 522/TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Theo báo cáo, sau 7 năm hoạt động (1995 - 2002), tổng nguồn vốn của Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg) đạt 7.083 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tăng trưởng trên cơ sở bàn giao từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo là 518 tỷ đồng, đã góp phần giúp cho trên 644.000 hộ thoát nghèo. Theo TS Hà Thị Hạnh - nguyên Tổng Giám đốc NHNg, ưu điểm lớn nhất của mô hình NHNg là tiết kiệm chi phí quản lý, vì có thể sử dụng toàn bộ trụ sở, phương tiện, con người có sẵn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo&PTNT) để hoạt động. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn những hạn chế vì thực chất như một Quỹ ưu đãi, việc điều hành tác nghiệp giao cho NHNo&PTNT đảm nhận, công tác tổ chức Hội đồng quản trị theo hình thức kiêm nhiệm không phân rõ trách nhiệm, cán bộ ngân hàng thương mại thiên về kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến tín dụng hộ nghèo...
Trước yêu cầu của tiến trình hội nhập, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, từng bước tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 131/2002/TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại NHNg để thực hiện Nghị định 78 nhằm tập trung các nguồn vốn ngân sách tài trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vào một đầu mối. NHCSXH nhận bàn giao tài sản, các chương trình cho vay hộ nghèo từ NHNo&PTNT, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Công thương Việt Nam và các nguồn vốn ngân sách địa phương, với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6/2015, mạng lưới hoạt động của NHCSXH đã được xây dựng từ Trung ương đến tỉnh, huyện với 63 chi nhánh, cấp tỉnh, 626 Phòng giao dịch cấp huyện và gần 11.000 Điểm giao dịch tại xã. Tổng nguồn vốn đạt trên 141.000 tỷ đồng, dư nợ gần 136.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 18 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Nợ quá hạn giảm từ 13,75% khi nhận bàn giao xuống còn 0,84% tổng dư nợ.
Vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, trong đó trên 104.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 6,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng được 484.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 700 chòi tránh lũ, trên 102.000 ngôi nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long... Với những thành tựu này, NHSXH đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân đánh giá cao, được các đại biểu Quốc hội nhận xét là một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.