Ngày thơ bé hồn nhiên và tinh nghịch, theo mẹ đi chợ dọc triền đê, ngẩng đầu lên nhìn cây gạo xù xì cao lớn ven đường, tôi hỏi mẹ: “Cây gạo có nở ra hạt gạo cho làng mình không?”. Mẹ mỉm cười đáp: “Có chứ, nhưng con phải ngoan, cây gạo mới mọc ra hạt gạo làng mình…”. Trong câu chuyện của bà, vào mỗi độ tháng ba, bà không quên đọc cho nghe câu ca: “Bao giờ đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống là tra hạt vừng”. Nghe tưởng cho vui mà cây gạo lại đúng là “chiếc đồng hồ” đo thời vụ báo cho làng tôi vào mùa gieo hạt.
Ai trồng cây gạo dọc ven đê, trồng từ bao giờ, người dân quê tôi chẳng thể biết. Chỉ biết rằng khi sinh ra và lớn lên nơi miền quê yên ả, tôi đã thấy những cây gạo cao sừng sững soi mình xuống dòng sông Hồng phù sa đỏ nặng. Để rồi, mỗi độ tháng ba âm lịch, tiết trời ấm áp, những cơn mưa xuân đã nhường chỗ cho ánh nắng đẹp thì hoa gạo về như trải lên miền quê thanh bình một tấm áo mới rực rỡ. Tôi yêu hoa gạo đến lạ thường, yêu từ thuở thơ bé. Những đứa trẻ quê tôi cũng yêu mùa hoa ấy và đón đợi nó. Quả là cây gạo có sức sống như ấp ủ, như dồn tụ từ bên trong để đến mùa “mãn khai”, nó bung nở hết mình, phô diễn vẻ đẹp nên thơ, nên họa, nên nhạc nơi đồng quê này.
Mùa hoa gạo, triền đê quê tôi rực đỏ một màu, đồng loạt những cây gạo to nhỏ đều trổ hoa. Những bông hoa gạo nhìn từ xa như những chiếc đèn lồng mang ngọn lửa lấp ló đỏ rực, tươi mới. Hoa mọc chi chít trên thân cành, xòe ra từng cánh cứng cáp và mịn đỏ. Người dân quê tôi yêu cái màu đỏ tươi chứ không đỏ gắt để khi nhìn nó thấy dìu dịu đôi mắt, thấy cảm tình và nhìn mãi không chán. Người ta còn yêu cái vẻ cứng cáp của hoa, cái dáng vẻ cứng của thân cành bao tháng bao năm vẫn đứng vững nơi triền đê.
Hoa gạo ùa về trong cái ấm áp của tháng ba, tháng tư để chuẩn bị bước sang hè, khi những con đom đóm đầu mùa bay lượn trên cánh đồng quê. Một bức tranh rực rỡ, hấp dẫn. Ai đi qua triền đê, dù là đi bộ, gồng quang gánh hay đi xe máy cũng không quên ngước lên vòm cây ấy. Thú nhất là được trèo lên đỉnh núi nhìn xuống, cây gạo như những nét son trong bức họa đồng quê.
Nhớ thời thơ bé, chúng tôi rủ nhau nhặt hoa gạo về chơi đồ hàng. Không đứa nào dám trèo lên cây gạo vì nghe ba nói: “Thần cây đa ma cây gạo” mà chỉ dám đứng dưới nhìn lên và nhặt những bông hoa rụng. Thú nhất là rình xem lúc bông hoa gạo rụng xuống. Cánh của nó xòe hết cỡ như những chiếc loa phễu nhỏ rồi theo làn gió vừa xoay tròn vừa lượn một đường bay vèo xuống mặt đất. Mùa này, dưới gốc cây gạo, một tấm thảm hoa đỏ rực tô sắc mới cho con đường làng chạy dọc triền đê. Mỗi buổi chiều về, ngồi trên lưng trâu vi vút gió, ngắm hoa gạo nở mà lòng vui sướng, thầm reo về loài hoa quê năm nào cũng trở về.
Biết bao mùa hoa nở rộ nơi đồng quê yên bình, biết bao ngày tháng chảy miết giữa dòng đời, có ăn đời ở kiếp với quê hương mới biết tình yêu tha thiết dành cho loài mộc miên cứng cỏi và bình dị như chính con người vậy !
Nguyễn Thế Lượng