Thất thoát, lãng phí trong xây dựng, nhưng Luật Xây dựng hiện hành chưa kiểm soát hết, thị trường bất động sản đóng băng, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội giải ngân chậm là những băn khoăn của người dân về hoạt động xây dựng thời gian gần đây. Để làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Giao dịch bất động sản tăng nhẹ
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) sau một thời gian đóng băng, năm 2013, đặc biệt là những tháng gần đây đã có những chuyển động tích cực, giao dịch tăng lên, tập trung nhiều vào những loại BĐS có quy mô trung bình, nhỏ, giá thấp. Điều này khẳng định các chính sách của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã đạt được kết quả, từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn, do khả năng nền kinh tế nước ta chưa phục hồi.
“Những đối tượng đủ điều kiện mà có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì phải được hưởng hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng. Cả Bộ Xây dựng, ngân hàng và các địa phương đều phải vào cuộc để giảm thiểu những thủ tục không cần thiết, hỗ trợ người dân sớm xác nhận điều kiện để được mua nhà một cách thuận lợi”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng |
Theo đánh giá của ông Trịnh Đình Dũng, vừa qua, giá BĐS giảm mạnh là do cần phải trở lại giá trị thực. Các nhà đầu tư phải giảm giá để tăng giao dịch sản phẩm BĐS, chú trọng tiết giảm các chi phí không cần thiết như thay thế những vật liệu cao cấp nhập khẩu bằng vật liệu trong nước; các dịch vụ ở khu chung cư giảm xuống từ nhà 3 tầng hầm xuống còn 2 tầng. “Thời gian tới, giao dịch BĐS sẽ được giao dịch tốt hơn và ổn định hơn do giá BĐS ngày càng phù hợp hơn với khả năng mua của người dân”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, gói 30.000 tỷ đồng là để hỗ trợ cho người dân có thu nhập thấp cải thiện nhà ở. Muốn giải ngân nhanh gói này phải có nhiều nhà ở xã hội hoặc nhà ở có giá dưới 15 triệu đồng/m2, và diện tích dưới 70 m2. Hiện nay, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân rất lớn, khoảng hơn 1 triệu căn, riêng TP Hồ Chí Minh cần trên 130.000 căn, Hà Nội là 115.000 căn, đó là chưa kể đến một số thành phố công nghiệp lớn như Bình Dương hay một số vùng trọng điểm khác.
Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng nhận định: “Hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế do chiến lược nhà ở xã hội mới thực hiện và việc phát triển nhà ở xã hội là quá trình lâu dài; các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, các thủ tục thực hiện trong quá trình giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là bắt buộc, bởi nếu không làm chặt sẽ có nhiều đối tượng lợi dụng để tham nhũng, gây thất thoát”.
Về việc xây nhà tránh lũ ở miền Trung, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ đã có đề án hỗ trợ nhà tránh lũ cho khoảng 40.000 hộ nghèo ở 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Chính phủ đang cân nhắc nguồn ngân sách để tiếp tục hỗ trợ. Đối với hộ cận nghèo và những hộ khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu trình Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ đối tượng này.
Nhiều lỗ hổng trong xây dựng
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian qua công tác xây dựng cơ bản đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đang gây nhức nhối trong dự luận như: Thất thoát, đầu tư tự phát, xây dựng theo phong trào dẫn đến dư thừa các dự án và sản phẩm BĐS; đầu tư không theo quy hoạch, kế hoạch dẫn đến dự án treo; đầu tư dàn trải dẫn đến nợ đọng trong xây dựng; đầu tư các dự án chất lượng thấp. Nguyên nhân là do chất lượng quy hoạch chưa cao, kế hoạch chưa phù hợp, chất lượng quản lý nhà nước về công tác xây dựng từ chuẩn bị đầu tư đến quá trình đầu tư, nghiệm thu, bàn giao còn nhiều lỗ hổng chưa khắc phục được.
“Trước thực trạng này, năm 2013, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định quan trọng gồm: Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị để khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát, phong trào, dự án treo... ; Nghị định 15 về quản lý chất lượng các công trình xây dựng yêu cầu phân rõ nguồn vốn nhà nước phải được kiểm tra về thiết kế, dự toán ngay từ ban đầu để khắc phục thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó các thể chế liên quan đến đầu tư xây dựng như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở...”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng thì dự thảo Luật Đầu tư công cần phải điều chỉnh quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thay vì đầu tư ngắn hạn hàng năm bằng đầu tư trung hạn và dài hạn; kiểm soát các điều kiện để được phân bổ vốn đầu tư cũng như kiểm soát vốn đầu tư. Luật Xây dựng cũng cần đổi mới căn bản như đưa ra phương thức khác nhau để quản lý các nguồn vốn, trong đó đề cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát thiết kế cơ sở và kỹ thuật, nghiệm thu, bàn giao... Đặc biệt, những phương thức nhằm khắc phục thất thoát trong xây dựng, quản lý sẽ được đổi mới, cùng với đó thành lập những ban quản lý chuyên nghiệp, chuyên ngành thay vì các ban quản lý đơn lẻ như hiện nay.
Trọng Thủy