Đến xã vùng biên Chiềng Khương, huyện Sông Mã có thể nhận thấy cuộc sống người dân thay đổi rõ rệt, nhất là từ khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Những con đường đất giờ đây đã được bê tông hóa là công sức của hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương. Anh Lò Văn Pọng ở bản Chiềng Khương bày tỏ, trước kia chưa có đường bê tông bà con đi lại hay vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Được Bộ đội Biên phòng góp công, góp sức để làm con đường giúp việc đi lại của người dân trong bản thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Nói về vai trò của lực lượng Biên phòng, ông Quàng Văn Giới - Trưởng bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương chia sẻ, là bản biên giới nên có việc gì bà con cũng được sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng, từ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ đến chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới bản đã được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng hỗ trợ hoàn thành gần 2,5 km đường bê tông nội bản.
Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, Nguyễn Trung Vực nhấn mạnh, là địa bàn có hơn 23 km đường biên nên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương không chỉ giúp địa phương xây dựng nông thôn mới mà còn hỗ trợ xã làm tốt công tác ngăn chặn hoạt động vượt biên tự do, xâm canh, xâm cư, buôn bán trái phép qua biên giới.
Thiếu tá Vì Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương cho biết, công tác xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới gặp nhiều khó khăn. Đối với xã Chiềng Khương, khó khăn nhất là nhận thức của người dân hạn chế, nhiều hủ tục còn tồn tại, vì thế việc tuyên truyền rất vất vả. Đơn vị cùng chính quyền địa phương mất gần 1 năm để tuyên truyền cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, qua đó bà con tự giác góp công, hiến đất làm các công trình mới.
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, Đồn đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Cùng với việc tuyên truyền, đơn vị có những việc làm cụ thể như tham gia ngày công cùng với chính quyền địa phương để xây dựng trường học, nhà văn hóa, đường giao thông; đồng thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực như “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”; “Nâng bước em tới trường”. Đơn vị cũng hỗ trợ người dân về cây giống, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho biết tỉnh có 17 xã biên giới nhưng đến nay chỉ có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để hỗ trợ, giúp đỡ các xã vùng biên, các đồn Biên phòng đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp đỡ người dân sản xuất, xóa đói giảm nghèo được trên 3.800 ngày công; tham gia tu sửa gần 230km đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi; sửa chữa, làm mới 52 ngôi nhà. Ngoài ra, hỗ trợ vốn sản xuất cho hơn 540 hộ nghèo trị giá gần 300 triệu đồng.
Thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy có hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tại xã, bản; tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào tự chủ, tự quản đường biên, mốc giới, đấu tranh với các loại tội phạm.
Ngoài ra, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại; vận động các hộ sản xuất lao động giỏi hướng dẫn giúp đỡ các hộ nghèo về kinh nghiệm sản xuất, giống vốn vật tư lao động. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn vùng biên.