Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam tặng quà cho chức sắc người Chăm ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. |
Đoàn đến thăm và chúc tết ban điều hành các thôn, ban quản lý các lăng, các vị sư cả và người uy tín trong cộng đồng người Chăm Bà la môn các xã Phú Lạc, Phong Phú (huyện Tuy Phong) và các xã Phan Thanh, Phan Hiệp (huyện Bắc Bình).
Lãnh đạo tỉnh chúc các vị chức sắc, sư cả cùng toàn thể bà con người Chăm Bà la môn giáo đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui vẻ và sung túc. Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao tinh thần gắn bó, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn.
Đặc biệt, trong những năm qua, các vị chức sắc, sư cả, người có uy tín trong cộng đồng người Chăm cùng toàn thể bà con người Chăm đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là tham gia tích cực vào phong trào lớn như chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa văn minh đô thị…
Lãnh đạo tỉnh mong muốn các vị chức sắc, sư cả, người có uy tín tiêu biểu tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò và ảnh hưởng tích cực của mình, động viên bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tiếp tục phát huy tốt truyền thống đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo cùng chính quyền địa phương hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.
Đại diện bà con đồng bào Chăm, các vị chức sắc, sư cả cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào được đón Tết truyền thống an toàn, ấm cúng và tiết kiệm. Các vị sư cả, chức sắc mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Bình Thuận là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm sinh sống với hơn 41.000 người, trong đó, đồng bào Chăm theo Bà la môn giáo hiện có hơn 25.000 người, phân bố chủ yếu tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh...
Tết Katê là tết cổ truyền của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ các vị vua hiền có công với dân với nước, ca ngợi công việc đồng áng, mùa màng, ca ngợi sự hưng thịnh và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, mùa màng tươi tốt.