Theo phong tục, mỗi gia đình cử ra một đại diện để cúng lễ. Sau khi cúng, mỗi gia đình được chia phần lộc của lễ và mọi thành viên trong tộc họ cùng ăn uống, cộng cảm với nhau.
Múa cổ truyền Chăm trên Tháp Pô Klông Garai. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
“Sợi dây” kết tình dân tộcVới xu thế hội nhập, Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận không chỉ là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm mà Katê còn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và giao lưu, nhờ đó làm cho không khí thêm sôi động và náo nức, tô điểm thêm sắc màu cho ngày hội.
Lễ hội Katê nhằm tưởng nhớ các vị thần như: Pô Klong Garai, Pô Rômê... và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Lễ hội diễn ra trên một không gian rộng lớn từ đền tháp Tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) lan tỏa về làng thôn và đến mỗi gia đình của cộng đồng người Chăm, đặc biệt là người Chăm Bàlamôn, tạo thành một dòng chảy văn hóa, nghệ thuật phong phú và đa dạng.
Lễ hội được bắt đầu bằng lễ rước y trang của các vị thần: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Garai, Pô Rômê… Các điệu múa mừng ngày hội trên tháp được bắt đầu từ: múa quạt của thiếu nữ Chăm hòa cùng thiếu nữ múa đội thôn hala (mâm cao đựng trầu cau) - điệu múa mừng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người được an khang và hạnh phúc đồng thời cũng là sự hiến dâng cho các vị thần linh tối cao.
Đội Múa Mả la của đồng bào Raglai vui mừng cho lễ hội Katê trong điệu Ruguơ rộn ràng. Đây là sự thể hiện tình cảm gắn kết của hai dân tộc trong lễ hội Katê từ lâu đời.
Không gian trên đền tháp như ngưng đọng cho các gia đình chuẩn bị bày mâm lễ tế thần, cho các chức sắc Bàlamôn tiếp xúc với thần linh tối cao để tấu trình ý nguyện của mỗi người dân. Ông Chămưnay làm lễ cầu xin vị thần ngự trị trong tháp để làm lễ tắm tượng, mặc y trang. Ông Kadhar với tiếng đàn ka nhi thiết tha, hát cầu lễ thần linh. Bà Muk Pajau và ông Chămưnay làm nghi thức mở của tháp, đưa lễ vật và y trang vào trong Tháp. Các chức sắc Bàlamôn tiến hành tắm tượng và mặc y trang cho ngài Pô Klong Garai.
Hướng đến xác lập di sản văn hóaCả sư Tháp Pô Klong Garai cho biết, Lễ hội Katê là dịp để nhắc nhở đồng bào Chăm luôn luôn tôn trọng đạo lý “Mưnhum ia dar halau, băng pauth Kayau dar urang pala phun” (Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây).
“Chúng ta cũng nên nhớ rằng, lòng tôn kính, sự biết ơn bậc tiền bối, tổ tiên không chỉ dâng cúng lễ vật là tốt mà còn phải nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn các văn hóa truyền thống của các dân tộc, kết hợp với lối sống lành mạnh, văn minh, không nặng về phô trương, trình diễn lại không làm tinh giảm lấy lệ trong việc thực hiện các nghi lễ phong tục và tín ngưỡng tôn giáo” - Cả sư Tháp Pô Klong Garai chia sẻ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Ninh Thuận, những đền Tháp Chăm là tài sản vô giá, quý báu của dân tộc Chăm được thế giới vinh danh, Nhà nước tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị; các lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì, phát huy trong cộng đồng, trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm; diện mạo và đời sống văn hóa, kinh tế các làng Chăm đã có những chuyển biến, thay đổi hòa nhịp với sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh việc quảng bá nét văn hóa đặc sắc lâu đời của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn tại Lễ hội Katê, vừa qua, tỉnh Ninh Thuận cũng kết hợp tổ chức tọa đàm Ngoại giao Đoàn nhằm tranh thủ các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế ủng hộ việc xác lập các thủ tục, bình chọn... để UNESCO công nhận hệ thống tháp Chăm và lễ hội Katê là Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới.