Trong 10 năm qua, đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Điển hình như các hoạt động hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng, đóng góp đối ứng kinh phí để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng.
Đồng thời, thực hiện nếp sống văn hóa trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; không tảo hôn, không sinh con thứ 3; quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em đến trường đúng độ tuổi; tích cực tham gia bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của người dân tộc thiểu số góp phần xây dựng thôn, buôn, làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tiêu biểu như gương ông Nay Bim, thị xã Ayunpa; ông Kpă Mak, huyện Phú Thiện hiến hàng nghìn mét đất để mở trường học cho trẻ em trong làng; ông Hyão, huyện Đăk Đoa là những nhân tố tích cực, là nòng cốt trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con vùng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã tích cực tham gia, vận động, tuyên truyền nhân dân đoàn kết đấu tranh chống các hoạt động liên quan đến Fulro, Tin lành Đêgar, tà đạo Hà Mòn; đấu tranh xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... góp phần không nhỏ để phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ An ninh tổ quốc” đạt hiệu quả.
Tiêu biểu như ông Kpă Jao ở Krông Pa, ông Rơ Lan Hào ở huyện Chư Sê, bà Đinh Thị Duenh ở Kong Chro đã thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt cộng đồng, thường xuyên vận động đồng bào phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu kích động giúp người dân vùng dân tộc thiểu số có cuộc sống an toàn, bình yên.
Qua những đóng góp tích cực của đội ngũ người uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều động thái quan tâm, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến để có những hoạt động nhằm động viên, khen thưởng kịp thời.
Từ nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, tỉnh Gia Lai đã tiến hành thăm hỏi, trợ cấp khó khăn cho trên 1.600 lượt người uy tín, bố trí công tác xã hội cho gần 100 lượt người; Cấp và không thu tiền 2 loại báo dành riêng cho vùng dân tộc thiểu số với kinh phí trên 1,3 tỉ đồng.
Tỉnh Gia Lai có 1.857 trường hợp người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại 1.016 làng trên địa bàn. Trong đó, 1.207 trường hợp là người Jrai, 578 trường hợp là người Bahnar, 72 trường hợp thuộc các dân tộc khác (Kinh, Tày, Ê-Đê…) giữ các vị trí là trưởng thôn, già làng, chức sắc, chức việc trong tôn giáo, công chức nghỉ hưu, nhân sĩ trí thức.