Sử dụng năng lượng bền vững là một trong những giải pháp cho sự phát triển bền vững và góp phần ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu. Giảng viên Đặng Văn Công, Khoa Nông - Lâm, Trường Đại học Tây Bắc đã đề xuất giải pháp “Biến phế phẩm thành chất đốt - một giải pháp mới hiệu quả, thân thiện môi trường”. Đây là một trong 16 những ý tưởng được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trao Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ năm 2011, rất phù hợp với các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
Tập trung lõi ngô phế thải để sản xuất ra than làm chất đốt. Ảnh: đặng văn công |
Theo đánh giá của các nhà khoa học, ý tưởng này đã giải quyết được vấn đề sử dụng năng lượng bền vững, chống ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiện nay lõi ngô mới chỉ được sử dụng ở một mức rất nhỏ, số ít được dùng để trồng nấm, phần lớn là thải bỏ ra ngoài vệ đường, dòng suối gây ô nhiễm môi trường. Phần rất ít được người dân lấy về đun nấu, tuy nhiên do cồng kềnh nên hiệu suất đun chưa cao, tốn nhiều diện tích để tích trữ.
Việc sản xuất ra than bánh và thanh nhiên liệu từ lõi ngô sẽ là một giải pháp mới tạo ra nguồn chất đốt có nhiệt lượng cao thay thế cho than đá được sử dụng tại các lò sấy nông sản, lò đốt gạch và nhu cầu đun nấu của người dân.
Nhận định về cơ sở khoa học của đề án, ông Đặng Văn Công cho biết: Với khoảng gần 1 triệu tấn lõi ngô thải ra mỗi năm có thể tạo ra một lượng than bánh, thanh nhiên liệu lõi ngô lớn, cung cấp trở lại làm chất đốt cho chính các lò sấy ngô, các lò đốt thủ công, lò gạch, và đun nấu của người dân. Với phương pháp này, lõi ngô sau khi được nghiền nhỏ trộn thêm phụ gia để đóng thành các bánh than hoặc qua máy ép thành các thanh củi. Qua quá trình đóng thành bánh và ép thành thanh củi thì lõi ngô bị ép lại với một lực lớn làm cho khối lượng riêng tăng lên, việc trộn thêm các phụ gia sẽ làm tăng độ cháy và làm cháy hoàn toàn, không tạo ra khí thải độc hại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Ngô vẫn là loại cây trồng phổ biến ở khắp nơi trên cả nước. Nhiều vùng có diện tích ngô lớn như khu vực Tây Bắc (172.000 ha), đồng bằng sông Hồng (84.700 ha), khu vực đông Bắc (236.000 ha), Bắc Trung bộ (137.300 ha), Tây Nguyên (233.400 ha)... Tại những khu vực này có nhiều cơ sở chế biến nông sản, nhưng hàng năm vẫn thải ra môi trường khoảng 100.000 tấn lõi ngô. Vì vậy, có thể mở rộng mô hình sản xuất than bánh và thanh nhiên liệu lõi ngô, đáp ứng nhu cầu về chất đốt. Việc sản xuất này có mức đầu tư ban đầu không lớn, nguồn nguyên liệu luôn sẵn có với giá rẻ, máy móc và nhà xưởng đơn giản đầu tư một lần và sử dụng lâu dài.
Nguyễn Hồng Điệp