Các thầy thuốc và bệnh nhân tại BV Đa khoa huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đang phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ nhiều năm nay.
Năm 2010, Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Chấn được đầu tư xây dựng mới để đưa vào sử dụng với mục tiêu góp phần nâng cao việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng; đồng thời, để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên... Nhưng chỉ sau thời gian ngắn khi đưa vào sử dụng, toàn bộ hthống nước sinh hoạt của bệnh viện đã xuất hiện màu đục đỏ, có mùi sắt, khiến nhân viên y tế hết sức lo lắng vì không bảo đảm khâu vệ sinh cũng như dùng cho sinh hoạt. Thực tế cho thấy, toàn bộ các bồn nước rửa tay, các khu vệ sinh đều bị vết ố vàng sậm, tẩy rửa liên tục nhiều lần không hết. Đặc biệt, tại phòng mổ, một nơi ngành y được coi là vô khuẩn tuyệt đối, hệ thống nước cũng trong tình trạng tương tự vì cùng chung một hệ thống cấp nước.
Trước thực trạng đó, bệnh viện đã đầu tư thêm một hệ thống lọc nước chạy bằng điện, khi mở ra kiểm tra hai quả lọc thấy có màu đen đầy gỉ sắt, hàng tháng nhân viên đều phải thay thế quả lọc mới đủ điều kiện vận hành. Việc này gây tốn kém cho bệnh viện, vừa phải chi tiền mua thay thế quả lọc, vừa thêm tiền điện chạy máy mỗi khi có phẫu thuật...
Bác sỹ Nhâm Văn Meng, phụ trách bệnh viện cho biết, Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện do Sở Y tế Yên Bái làm chủ đầu tư. Bệnh viện là đơn vị thụ hưởng công trình theo phương thức "chìa khóa trao tay". Khi thấy đường nước không bảo đảm vệ sinh, bệnh viện đã kiến nghị nhiều lần lên trên, một số cán bộ chức năng đã về khảo sát và đề xuất làm lại đường ống dẫn và lấy nước từ suối thay cho nước giếng hiện tại. Bởi giếng cung cấp nước nằm ngay trong khuôn viên nhà điều trị của bệnh viện, không đảm bảo vệ sinh cho việc cung cấp nước sinh hoạt; các đường ống dẫn nước bằng kẽm vừa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng, bị gỉ sắt bám đỏ phía bên trong, khiến toàn bộ đường ống nhiễm sắt nghiêm trọng...
Tuy nhiên, đã gần ba năm trôi qua, việc ô nhiễm nguồn nước bệnh viện vẫn không được cấp có thẩm quyền quan tâm.
Đức Tưởng