Bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hoá

Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết: hiện nay tỷ lệ người dân bị mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn thành phố đang có xu hướng ngày càng gia tăng và mức độ ngày càng trẻ hoá. Nguyên nhân là do đời sống người dân không ngừng được nâng cao dẫn tới tình trạng béo phì diễn ra ngày càng phổ biến ở thanh niên, ngoài ra còn có các yếu tố khác như việc tiêu thụ rượu bia, hút thuốc lá nhiều...

Năm 2010, thành phố Đà Nẵng triển khai Dự án “Phòng chống bệnh đái tháo đường”. Đây là dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Năm 2012, dự án đã tiến hành sàng lọc điểm đối với 3.000 người có yếu tố nguy cơ cao về bệnh đái tháo đường như: những người tăng huyết áp, béo phì, phụ nữ sinh con trên 4 kg, người có tiền sử về bệnh đái tháo đường.

Các đối tượng này tập trung ở 3 quận là Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà. Kết quả sàng lọc cho thấy: 8,7% người tham gia sàng lọc được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường, ở độ tuổi từ 45- 69 tuổi; người tiền đái tháo đường (người có nguy cơ mắc bệnh cao trong thời gian gần nếu không có biện pháp can thiệp) chiếm 21,8%. Đặc biệt, 60% người được phát hiện bị bệnh nhưng không biết mình đang mang bệnh trong người.

Để giúp phát hiện kịp thời và ngăn chặn bệnh đái tháo đường trong cộng đồng dân cư, năm 2011 thành phố mở một phòng tư vấn về bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp trong khuôn viên Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. Phòng tư vấn có nhiệm vụ kiểm tra đường huyết định kỳ miễn phí cho người dân. Cụ thế đối với người bị đái tháo đường là 1 tháng/ 1 lần; người tiền đái tháo đường là 3-6 tháng/ 1 lần; người bình thường là 1 năm/ 1 lần.

Sở Y tế thành phố cũng đã tổ chức các lớp đào tạo cho đối tượng cán bộ y tế làm việc ở xã, phường, đội y tế dự phòng các quận, huyện những kiến thức cơ bản về bệnh này nhằm mục đích nâng cao nhận thức về mức độ gia tăng và nguy hiểm của bệnh cho cán bộ cơ sở, qua đó giúp đội ngũ này có thể tư vấn cho người dân về nơi điều trị, cách thức sinh hoạt hàng ngày để phòng bệnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được đẩy mạnh, đặc biệt hướng tới các đối tượng có nguy cơ cao.

Bác sĩ Nguyễn Hoá, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết: bệnh đái tháo đường có thời gian ủ bệnh trong cơ thể kéo dài do vậy nếu không kiểm tra đường huyết định kỳ thì khó phát hiện bệnh để có phương pháp ngăn chặn hiệu quả. Một khi không có biện pháp chữa trị kịp thời bệnh sẽ dẫn tới các biến chứng về mắt, thận, tim, não và thần kinh...

Khó khăn đối với TP. Đà Nẵng hiện nay là tỷ lệ người bị và người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường có xu hướng tăng nhưng khả năng khám sàng lọc trên diện rộng còn hạn chế. Mặt khác, nhận thức của người dân về bệnh đã được nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hiểu biết đối với bệnh. Trong thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục tập trung vào 3 biện pháp chính là đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn và khám sàng lọc qua đó đánh thức cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh này.


Đỗ Trưởng
Cẩn trọng khi trẻ mắc bệnh đái tháo đường
Cẩn trọng khi trẻ mắc bệnh đái tháo đường

Nếu việc kiểm soát đường máu ở trẻ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) không tốt sẽ dẫn đến các biến chứng như: Đục thủy tinh thể, tổn thương thận, cao huyết áp, phát triển chậm về thể chất, thậm chí tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN