Tuyên bố của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra về việc giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm không thể làm dịu sức nóng của làn sóng biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Bangkok. Mục tiêu cuối cùng của những người biểu tình thuộc phe đối lập là lật đổ Chính phủ của bà Yingluck và giao quyền cho một hội đồng điều hành quốc gia hiện chưa hình thành.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. |
Trong tuyên bố của mình, bà Yingluck cho rằng bầu cử sớm là cách thức hữu hiệu nhất để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan. Bà cũng cảnh báo rằng bất cứ việc bổ nhiệm một chính phủ mới nào mà không được nhân dân thông qua sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Theo bà Yingluck, vào thời điểm hiện nay khi xuất hiện ngày càng nhiều người thuộc nhiều nhóm chống chính phủ, thì cách tốt nhất là trao quyền lại cho người dân để họ tự quyết định.
Tuy nhiên, hàng chục nghìn người biểu tình đã phản bác tuyên bố của bà Yingluck và vẫn đổ về trụ sở chính phủ để tiếp tục gây áp lực. Suốt 7 năm qua kể từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai bà Yingluck - bị lật đổ, chính trường Thái Lan chưa có lúc nào thực sự lặng sóng. Cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe phái mà tâm điểm là vai trò và ảnh hưởng của ông Thaksin đã gây ra nhiều bất ổn đối với Thái Lan.
Ngày 9/12, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva - lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập - đã tham gia biểu tình nhằm tăng thêm áp lực. Tuần trước, ông Abhisit tuyên bố rằng bầu cử sớm là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông chưa đưa ra bất cứ phát biểu nào chứng tỏ sự ủng hộ hay phản đối với đề xuất giải tán quốc hội và bầu cử sớm của Thủ tướng Yingluck.
Một số nhà phân tích cho rằng liên minh cầm quyền của bà Yingluck dù đang hứng chịu nhiều thiệt hại, nhưng vẫn có thể duy trì được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những cử tri ở khu vực nông thôn. Đây được coi là căn cứ địa của bà Yingluck để đánh bại đảng Dân chủ đối lập nếu Thái Lan tiến hành bầu cử sớm. Trong khi đó, hơn hai thập kỷ trở lại đây, đảng Dân chủ chưa từng biết đến chiến thắng tại các cuộc tuyển cử.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan diễn biến ngày càng phức tạp hơn khi đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay Hạ viện. Động thái này được coi là bước đi quyết định để đạt tới mục tiêu lật đổ Chính phủ của bà Yingluck. Hiện đảng Dân chủ có 153 hạ nghị sỹ, và toàn bộ số này đã từ chức nhằm bày tỏ thái độ khá dứt khoát của mình. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi nổ ra làn sóng biểu tình ở Bangkok, đảng Dân chủ quyết định công khai đứng về phía những người chống chính phủ.
Hiện phe đối lập không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ ngừng các cuộc biểu tình và tuần hành. Mục tiêu là lật đổ Chính phủ của bà Yingluck, nhưng bản thân họ cũng không thể định đoạt được tình hình trong tương lai khi mâu thuẫn về lợi ích chưa được tháo gỡ. Ông Abhisit cũng đang lâm vào nghịch lý. Năm 2010, khi ông nắm chức Thủ tướng, lực lượng chính phủ đã tiến hành đàn áp biểu tình, làm nhiều người thiệt mạng. Giờ đây, ông lại gia nhập phong trào chống chính phủ để tìm kiếm lợi ích cũng như ảnh hưởng cho đảng Dân chủ đối lập. Đó cũng là vòng luẩn quẩn thường thấy trên chính trường Thái Lan.
Ngày 10/12, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đã bác bỏ yêu cầu của phe đối lập đòi bà từ chức, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi các nhiệm vụ cải cách đất nước đang thực hiện dựa trên Hiến pháp tới khi một thủ tướng mới được bầu ra. Cùng ngày 10/12, Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) Puchong Nutrawong cho biết Thái Lan đã ấn định thời hạn để các ứng viên nghị sĩ đăng ký tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2/2014. Hàng trăm nghìn người biểu tình đã bao vây tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok trong ngày 9/12, song không có cuộc đụng độ nào được ghi nhận. Tuy nhiên, tính đến sáng 10/12, chỉ có khoảng 1.000 người biểu tình tại đây. Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những động thái của Chính phủ Thái Lan. |
Lê Phương (Theo "Thời báo Tài chính")