Những năm gần đây, trên địa bàn xã biên giới Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, thường xuất hiện đàn chó sói từ 30 - 40 con tấn công vào các làng bản, giết hại rất nhiều gia súc, làm cho đời sống của người dân vùng cao biên giới càng thêm khó khăn hơn. Người dân trong xã đã tổ chức nhiều cuộc săn bắn, triệt hạ và xua đuổi khiến cho loài sói này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Mất mát gia súc của người dân
Theo chân anh Giàng A Sênh, người vừa bị chó sói bắt mất 1 con bò vào tháng 8/2013, chúng tôi vượt rừng vào bản Pá Kạch, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Đường vào bản Pá Kạch khá chông chênh, hai bên rừng núi sâu hút. Từ trung tâm xã vào bản chỉ có hơn 9 km nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến nơi. Bản Pá Kạch có 36 hộ đều là dân tộc Mông, đây là một trong những bản khó khăn của xã Mường Lạn.
Bản vùng cao nơi chó sói thường xuyên xuất hiện. |
Ở bản vùng cao này, chuyện chó sói về bắt trâu, bò của người dân là một đề tài nóng hổi nhất. Đi đâu hỏi về việc chó sói cũng được người dân kể một cách nhiệt tình, tường tận với giọng điệu căm thù loài chó sói. Ông Giàng Nỏ Ly (SN 1966) cho biết: Đặc tính của chó sói là hay về vào mùa mưa, chúng thường kéo theo đàn, khoảng 30 - 40 con. Khi về, chúng chọn những con trâu, bò từ 2 - 3 tháng tuổi tấn công trước, còn những con lớn tầm 3 - 5 tuổi thì chúng quây lại vờn con mồi rồi đớp trộm vào mông đến khi con mồi kiệt sức chết. Tính đến nay nhà ông Ly bị mất 4 con trâu tầm từ 3 - 5 tuổi, còn lợn thì bị sói bắt quá nhiều, giờ không nhớ nổi bao nhiêu con nữa.
Theo ông Giàng Sê Tủa, trưởng bản Pá Kạch, hổ mỗi lần về bản thường chỉ bắt 1 con gia súc, nhưng khi đàn sói đến thì phải mất từ 3 con trở lên. Cả bản Pá Kạch có 36 hộ thì trung bình một năm một hộ bị chó sói bắt từ 2 - 3 con gia súc. Năm nay thì ít hơn so với các năm trước, từ đầu năm tới giờ số lượng trâu, bò bị chó sói giết hại mới khoảng 7 con.
Bà Lý Thị Mai (SN 1967) bức xúc: “Người dân chúng tôi ở đây khổ lắm, con trâu, con bò là cả một gia tài, vậy mà vừa mới nuôi được một, hai năm đã bị chó sói ăn mất. Nhiều lúc tôi chỉ muốn giết hết bầy sói để dân bản được yên ổn làm ăn”.
Trước nguy cơ tuyệt chủng
Để bảo vệ đàn gia súc trước nguy cơ bị chó sói tấn công, người dân trong bản đã tổ chức từng đợt vào rừng để đặt bẫy, săn tìm tiêu diệt chó sói.
Ông Giàng A Chư, một tay thợ săn có tiếng trong bản kể lại, những năm gần đây, đàn chó sói ngày một ít dần chứ như những năm trước nhiều chó sói lắm. Mỗi đợt vào rừng săn là đàn sói chết la liệt bởi những tay thợ săn lão luyện, năm ngoái bản thân ông Chư đặt bẫy bắt được 3 con sói.
Theo ông Giàng Nỏ Ly, trong khoảng từ một đến hai năm trở lại đây do bị săn bắn nhiều nên lượng sói cũng ít dần. Đa số người dân ở đây đều hiểu việc tiêu diệt chó sói đỏ là vi phạm pháp luật, thế nhưng đó cũng là chuyện cực chẳng đã, mỗi năm đàn sói xơi mất trên dưới 20 con trâu, bò của người dân, năm nhiều mất tới trên 40 con, thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn, nên người dân trong bản không thể không tìm cách ngăn chặn.
Khẩn cấp bảo vệ loài sói
Cho đến thời điểm này, dường như thông tin về việc chó sói thường xuyên xuất hiện tại các bản vùng cao biên giới xã Mường Lạn, giết hại rất nhiều gia súc của người dân chưa được các cơ quan chức năng quan tâm và cũng chưa có ai tìm hiểu, nghiên cứu xem loài chó sói giết hại hàng loạt gia súc kia là loại chó sói gì.
Khi nghe chúng tôi mô tả qua về loài chó sói đỏ quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam cũng như thế giới với các đặc tính như: Thân dài khoảng 90 cm, đuôi dài hơn 30 cm, cân nặng từ 30 - 40 kg, có bộ lông màu hung đỏ pha vàng theo kiểu màu da hoẵng và lông rất dày, có mõm ngắn màu đen, tai tròn vểnh, bụng màu sáng nhợt... thì ông Giàng Nỏ Ly khẳng định đây chính là loài sói thường về tấn công trâu, bò của người dân trong bản.
Theo các chuyên gia thì hiện nay ở Việt Nam chỉ còn lại sói đỏ và sói xám. Loài sói này đang bị khai thác và săn bắn một cách nghiêm trọng. Chúng đang gặp nguy hiểm và cần phải có chính sánh bảo vệ. Mặt khác, nếu không có chính sách hợp lý thì loài sói này có thể gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Ông Giàng Bá Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết, loài sói trên địa bàn xã thường xuyên di chuyển địa bàn kiếm ăn, có lúc chúng ẩn tránh ở khu rừng Việt Nam, có lúc chúng sang khu rừng nước bạn Lào nên việc phòng tránh chó sói về giết hại gia súc của bà con là rất khó. Hiện xã mới thực hiện việc tuyên truyền, giải thích, khuyến cáo người dân chỉ nên chăn dắt chứ không nên chăn thả trâu, bò, để bảo đảm an toàn cho loài gia súc; đồng thời tuyên truyền cho bà con hiểu việc người dân tự tiện đặt bẫy, vào rừng tìm tiêu diệt chó sói là vi phạm pháp luật, chứ bản thân xã cũng chưa có cách nào để giải quyết triệt để việc chó sói thường xuyên về giết hại gia súc và việc người dân tìm tiêu diệt chó sói để trả thù.
Bài và ảnh: Công Luật