Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sau khi đạt đến ngưỡng siêu bão cấp 14, giật cấp 17 trên khu vực bắc Biển Đông; từ sáng sớm 3/11, bão số 12 đã suy yếu nhanh và di chuyển chậm lại. Đến chiều 3/11, tâm bão số 12 ở vào khoảng 20,1 độ vĩ bắc, 114,2 độ kinh đông, cường độ giảm xuống cấp 9, cấp 10; giật cấp 12. Dự báo trong đêm 3, ngày 4/11 bão số 12 đổi hướng di chuyển xuống phía nam và tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đi qua phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Chiều tối và đêm 4/11, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp rồi đi vào đất liền Trung Bộ thuộc địa phận các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định.
Tàu thuyền về neo đậu an toàn tại vịnh Mân Quang (Đà Nẵng). Trần Lê Lâm - TTXVN |
Như vậy bão số 12 chỉ gây gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 trên vùng biển miền Trung; trên đất liền không bị ảnh hưởng của gió mạnh mà chỉ có mưa, rải rác có mưa vừa, mưa to từ chiều ngày 4 đến ngày 7/11.
Trong khi bão số 12 còn chưa tan thì mầm mống bão số 13 - tức một áp thấp nhiệt đới mới đã xuất hiện ở ngoài khơi đảo Minđanao (Phillippines). Đến chiều 3/11, áp thấp nhiệt đới này có tâm ở khoảng 8 độ vĩ bắc, 131 độ kinh đông. Dự báo, trong khoảng 1-2 ngày tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/giờ và sẽ mạnh lên thành bão. Khoảng ngày 6/11, cơn bão này sẽ vào Biển Đông và sẽ là cơn bão thứ 13. Nhiều khả năng cơn bão thứ 13 cũng sẽ ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ vào những ngày cuối tuần.
Công điện của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương
Sáng 3/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 83/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu như sau:
1. Tiếp tục theo dõi và thông báo cho chủ các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 12 để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, đặc biệt là nhóm tàu đang hoạt động ở phía đông nam quần đảo Hoàng Sa.
2. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động cấm biển và tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền an toàn, tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; rà soát phương án chuẩn bị đối phó với mưa lũ có thể xảy ra.
3. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sau bão số 12 sẽ tiếp tục có nhiễu động thời tiết xấu trên khu vực giữa và nam Biển Đông. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ và kịp thời thông tin cho chủ tàu thuyền biết, chủ động vào bờ để phòng tránh hoặc không ra khơi.
4. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
* Theo báo cáo của cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 3/11 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 74.405 phương tiện với 363.638 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động 11 gia đình chủ tàu đang hoạt động trên khu vực Hoàng Sa thông báo cho thuyền trưởng khẩn trương di chuyển về bờ trú tránh bão.
Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các hồ chứa thuộc các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hầu hết đã đầy nước, một số hồ vượt mực nước dâng bình thường như Sông Mực (Thanh Hóa), Vệ Vừng, Khe Đá, Xuân Dương (Nghệ An). Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam đạt khoảng 80% dung tích thiết kế; một số hồ đã đầy như: Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế), Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam). Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa mới đạt khoảng 50% dung tích thiết kế, có hai hồ xấp xỉ dung tích thiết kế là hồ Hoóc Răm (Phú Yên), Suối Trầu (Khánh Hòa).
BMT - Thanh Tuấn