Bạo lực leo thang trước thềm tổng tuyển cử ở Ai Cập

Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Quảng trường Tahir ở thủ đô Cairô của Ai Cập đã bước sang ngày thứ hai, làm ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó 4 người trúng đạn thật, và 192 người bị thương, nâng tổng số thương vong trong hai ngày qua lên hơn 1.700 người.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Cairô ngày 20/11. Ảnh: AFP-TTXVN.


Đêm 20/11, hàng nghìn người biểu tình đã ném đá và bom xăng về phía cảnh sát trong khi cảnh sát đáp lại bằng dùi cui, hơi cay và đạn cao su. Một số người còn định xông vào trụ sở Bộ Nội vụ gần Quảng trường Tahir, nhưng đã bị cảnh sát chặn lại. Các nguồn tin an ninh cho biết đụng độ cũng đã xảy ra trong các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố khác, trong đó có Alexandria, Suez, Qena... Hơn 50 người đã bị bắt giữ.

Làn sóng bạo lực bùng lên chỉ một tuần trước cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2. Những người biểu tình bất bình trước sự chậm trễ của tiến trình cải cách, cũng như việc chính quyền quân sự trì hoãn chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Họ đòi ông Hussein Tantawi, cựu Bộ trưởng dưới thời ông Mubarắc và hiện là người đứng đầu Hội đồng Tối cao các lực lượng Vũ trang (CSFA) đang cầm quyền tại Ai Cập, phải từ chức.

Cùng ngày, CSFA và Nội các Ai Cập đã họp khẩn cấp để thảo luận tình hình chính trị - an ninh hiện nay cũng như hậu quả của các vụ đụng độ tại Quảng trường Tahir, bàn biện pháp giữ gìn trật tự trên đường phố nhằm tạo bầu không khí có lợi hướng tới bầu cử. Trong thông cáo phát trên Đài truyền hình quốc gia, Nội các Ai Cập bày tỏ "rất tiếc" về những gì đang xảy ra, song khẳng định cuộc bầu cử quốc hội sẽ bắt đầu đúng kế hoạch vào ngày 28/11 tới. Chính phủ cũng khẳng định cảnh sát không sử dụng đạn thật chống lại người biểu tình.

Trước những diễn biến mới tại Ai Cập, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đã lên án việc sử dụng vũ lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Bà Catherine nói: "Quá trình chuyển tiếp chắc chắn là một quá trình khó khăn và nhiều thách thức, song luật pháp và trật tự cần phải được đảm bảo". Bộ trưởng Quốc phòng Canađa Peter MacKay cũng cho rằng các vụ bạo động là rất đáng lo ngại. Bộ Ngoại giao Anh cũng lên án các hành vi bạo lực, trong khi Italia và Đức bày tỏ lo ngại sâu sắc và kêu gọi các bên chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bạo lực.

Thanh Bình (P/v TTXVN tại Ai Cập)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN