Trong khi người dân các quận nội thành chỉ mua 4.000 đồng/m3 nước sạch thì người dân ở một số xã thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì phải chi tới 80.000-100.000 đồng, thậm chí cao hơn để mua 1m3 "nước chưa sạch" về sử dụng.
Tiết kiệm cả nước bẩnChúng tôi đến Chàng Sơn - một trong những xã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nhiều năm nay của huyện Thạch Thất. Đi trên các trục ngõ xóm của xã Chàng Sơn đâu đâu cũng bắt gặp cảnh bà con chở nước đi bán hoặc mua nước về nhà.
Năm năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh, thôn 6, xã Chàng Sơn (Thạch Thất) làm nghề chở nước đi bán. |
Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Chu Thế Huấn than thở: "Cả xã có 2.163 hộ thì hiện có khoảng 2/3 phải mua nước theo mùa hoặc mua quanh năm. Số hộ còn lại có nước nhưng quá ít, phải sử dụng dè sẻn. Là xã có nghề mộc truyền thống với trên 80% số hộ làm nghề, thiếu nước sinh hoạt không những ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn kìm hãm hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế của địa phương".
Cũng theo ông Huấn, trước đây, mỗi năm xã chỉ thiếu nước 3-4 tháng mùa khô, nhưng càng ngày nước càng khan hiếm, thời gian thiếu nước kéo dài tới 7 tháng/năm, thậm chí nhiều hộ thiếu nước quanh năm. "Chúng tôi lo nước sinh hoạt còn vất hơn cả lo cơm ăn hằng ngày. Mấy năm trước còn ít nước giếng khơi để sử dụng, nhưng 5 năm nay gia đình tôi phải mua nước sinh hoạt vì cả giếng khơi, giếng khoan đều hết nước"- bà Lê Thị Thao, thôn 4 than thở.
Ở xã Trường Yên (Chương Mỹ) tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng không kém. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Gia Dư, xã có 2.370 hộ, 11.100 nhân khẩu nhưng có tới khoảng 40% số hộ dân thiếu nước sinh hoạt từ 4-6 tháng/năm, trong đó Yên Trường là thôn thiếu nước trầm trọng nhất. Thôn có 1.300 hộ thì trên 90% đang thiếu nước sinh hoạt.
"Trời nắng nóng thế này mà không có nước, mọi sinh hoạt hằng ngày từ tắm giặt, rửa rau, vo gạo, chăn nuôi đều phải tính toán sao cho tiết kiệm" - bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Yên Trường cho biết. Tình trạng trên diễn ra từ năm 2002 đến nay và ngày càng lan rộng. Một số hộ dân trong thôn đã khoan giếng sâu 30-40m nhưng vẫn không có nước nên đành phải bỏ tiền mua nước về sử dụng.
Tương tự, từ nhiều năm nay người dân các xã Phú Sơn, Thái Hòa (Ba Vì) cũng chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ở đây, nhiều hộ dân đã phải bỏ ra 15-20 triệu đồng để xây giếng, bể chứa nước cỡ lớn, rồi thuê máy bơm nước từ sông Đà về dùng dần. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, lại phải cõng thêm gánh nặng chi phí cho nước sinh hoạt khiến khó khăn càng nhân lên gấp bội.
Còn tại xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai), do nước giếng khơi, giếng khoan đều cạn, hàng trăm hộ dân thôn Ngọc Than không còn cách nào khác là bơm nước ao tù về lọc qua rồi sử dụng tắm, giặt hằng ngày, bất kể quanh ao nổi lềnh bềnh nilông, rác rưởi...
Nghịch lý nước sạchCó một nghịch lý đang diễn ra ở ngoại thành Hà Nội là những năm qua, bằng các nguồn vốn, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng 102 trạm cấp nước sạch với công suất 400-2.000m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 15% dân số. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch mới dừng lại ở các thị trấn và một số vùng đông dân cư ven đô. Còn lại, phần lớn dân cư khu vực nông thôn đang sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, nước mưa, nước sông, ao, hồ... không bảo đảm vệ sinh.
Chưa kể, trong 102 trạm cấp nước sạch đã xây dựng, đến nay vẫn còn gần 20 trạm chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Không những thế, nhiều dự án cấp nước sạch nông thôn đã được phê duyệt với kinh phí xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa được triển khai, trong khi người dân mong có nước sạch từng ngày (?).
Điển hình như dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã có đất bị thu hồi phục vụ dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và các xã vùng lân cận huyện Ba Vì với tổng kinh phí hơn 358 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn đầu tư xây dựng nối tiếp trong 3 năm (2011- 2013). Tuy nhiên, sau tròn một năm kể từ ngày được UBND TP phê duyệt, dự án đến nay vẫn chưa triển khai.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay mới có 32% dân số khu vực ngoại thành Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, trong đó chủ yếu ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là các làng nghề rất cao.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho người dân nông thôn sớm được tiếp cận với nước sạch, từ năm 2009, UBND TP đã giao cho Sở lập quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội (giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030) theo hướng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý rác thải của thành phố. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đến nay quy hoạch vẫn chưa được thông qua…
Được biết, để người dân sớm có nước sạch sử dụng, trong khi chờ quy hoạch, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai hoàn thiện công trình cấp nước tập trung đã xây dựng trước đó nhưng chưa đưa vào sử dụng hay sử dụng không hiệu quả; hỗ trợ xây dựng 92.000 công trình bể lọc xử lý nước; đẩy mạnh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án cấp nước sạch quy mô xã đã được UBND TP chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư ở các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Ứng Hòa, Thường Tín; đồng thời tiếp tục mở rộng mạng cấp nước đô thị...
Bên cạnh đó, TP sẽ ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn, mỗi huyện từ 2-3 trạm cấp nước tập trung bảo đảm đầu tư đồng bộ, công nghệ tiên tiến… Quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu đề ra là vậy nhưng đến bao giờ người dân ngoại thành mới được giải cơn "khát" nước sạch thì vẫn phải chờ.
Theo hanoimoi.com.vn