Bình quân tỷ lệ người Việt Nam có lượng cholesterol cao là 29,1%, trong đó tỷ lệ này ở người dân thành thị lên tới 44,3%. Điều đáng nói, lượng cholesterol cao ở lứa tuổi trung niên từ 35 đến 44 tuổi là 41,7% và người cao tuổi lên tới 63,1%. Trung bình cứ 2 người trưởng thành ở thành thị có 1 người thừa cholesterol. Đây là một tỷ lệ đáng lo ngại bởi tình trạng cholesterol cao có thể dẫn tới nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là bệnh về tim mạch. Cholesterol là một dạng chất béo do gan sản xuất ra và dung nạp qua chế độ ăn uống.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã tiến hành một cuộc khảo sát về tình trạng cholesterol cao ở người trưởng thành, được thực hiện trong ba năm (2007-2010) trên 4.800 người tại bốn vùng sinh thái: Vùng thành thị, vùng nông thôn, vùng núi, vùng duyên hải. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, một phần nguyên nhân khiến tình trạng thừa cholesterol cao ở người thành thị, chính là thói quen ăn ngoài gia đình của nhiều người dân thành thị. Theo nghiên cứu, khảo sát của Viện thì tỉ lệ người có thói quen ăn hàng quán bị rối loạn chuyển hóa lipit máu cao gấp hai lần so với những người không có thói quen này. Ngoài ra, thói quen ăn quá nhiều đạm động vật, thói quen uống rượu, ăn ít rau quả (bình quân mỗi ngày người Việt mới ăn được gần 200 gram rau xanh)… là những yếu tố khiến nguy cơ bị rối loạn lipit máu tăng cao, dẫn đến thừa cholesterol và kéo theo nguy cơ mắc một loạt các bệnh tim mạch.
Giống như việc tích tụ dầu mỡ trong ống dẫn nước, việc tích tụ cholesterol làm hẹp động mạch và khiến cho máu đi qua khó khăn hơn, làm giảm lượng máu tới mô cơ thể, bao gồm cả tim. Vì thế, cholesterol cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch, đặc biệt dẫn đến các chứng xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não; thậm chí cholesterol cao còn có nguy cơ gây ra các bệnh về sỏi túi mật, đái tháo đường... làm giảm chất lượng sống của người trung niên và cao tuổi. Trong khi đó, cholesterol cao không biểu hiện rõ rệt dưới dạng bệnh nên khó lòng nhận biết, chỉ khi có biến chứng tim mạch hay khi đi xét nghiệm máu mới phát hiện ra. Do vậy, đa số người dân chủ quan không có biện pháp đối phó.
Trước tình hình trên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đề ra phương án dự phòng để người dân giảm lượng cholesterol dư thừa trong cơ thể, ngăn chặn những nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. Phương án dự phòng dựa trên cơ sở thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng, bao gồm: Tăng cường các hoạt động thể lực; kiểm soát cân nặng; bỏ thói quen sử dụng thuốc lá; đặc biệt là xây dựng một chế độ ăn uống giúp giảm cholesterol dư thừa trong cơ thể: tăng cường các loại rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày; ăn nhiều cá; giảm ăn đồ ngọt; hạn chế chất béo từ động vật, thực phẩm chiên xào và các thực phẩm chế biến sẵn. Đặc biệt, nên tăng cường sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều vi chất tự nhiên giúp giảm cholesterol dư thừa như Gamma Oryzanol có dồi dào trong dầu màng gạo.
Lý Hà