Báo động chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em - Bài cuối: Cần chương trình quốc gia phòng chống rối nhiễu tâm trí cho trẻ

Vì chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước, cần sớm xây dựng một chương trình quốc gia phòng chống rối nhiễu tâm trí cho trẻ. Đó là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành.

Đã có “cây gậy pháp lý”

Theo dự báo, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 10 triệu người bị rối nhiễu tâm trí. “Rối nhiễu tâm trí ở trẻ em là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Nhưng, vấn đề này bị lãng quên trong thời gian qua” - ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận xét. Thực tế, Chương trình “Chăm sóc trẻ toàn diện 3 năm đầu đời” đã từng được triển khai nhưng chưa được đẩy mạnh, nhất là sau khi giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và Trẻ em.

Chính phủ mới phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011- 2020 (gọi tắt là Đề án 1215). Ông An tin tưởng: “Đây là một may mắn. Đề án là một cây gậy pháp lý để chúng ta đẩy mạnh vấn đề chăm sóc trẻ toàn diện hơn nữa”.

Việc giảm sức ép cho các cơ sở bảo trợ xã hội chuyên biệt là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh sức ép ngày càng tăng đối với việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Hiện cả nước có 17 cơ sở bảo trợ xã hội chuyên biệt chăm sóc người tâm thần, đang chăm sóc cho 6.000 đối tượng thì có tới 90% số đó cơ sở vật chất đã bị xuống cấp. Số cơ sở có trang thiết bị y tế chuyên dùng chỉ chiếm 10%. Diện tích các cơ sở này hầu hết nhỏ hẹp, thiếu đất để tổ chức lao động trị liệu cho người tâm thần. Tổng số cán bộ, nhân viên 2.000 người là thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu về chất lượng.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Hồi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), Đề án 1215 sẽ đầu tư xây mới ít nhất 3 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người tâm thần khu vực và 20 cơ sở bảo trợ xã hội ở những tỉnh có đông đối tượng và nâng cấp, nâng công suất cho cơ sở hiện có.

Một điều quan trọng trong Đề án này, theo ông Nguyễn Văn Hồi là: “Đề án sẽ giúp giải quyết vấn đề rối nhiễu tâm trí và tâm thần theo hướng tập trung vào phòng ngừa và phát triển đào tạo nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần”.

Hướng đến quan tâm toàn diện

Tại hội nghị bàn tròn về Đề án 1215 và phòng chống rối nhiễu tâm trí cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam, nhiều đại biểu kiến nghị cần sớm có một chương trình Quốc gia về sức khỏe tâm thần đối với bà mẹ, trẻ em.

Theo ông Nguyễn Trọng An, việc phòng ngừa sớm sức khỏe tâm thần cho trẻ em cần đặt trong một chương trình chung là “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bà mẹ, trẻ em” và “cần phải đi bằng hai chân”.

“Chân” thứ nhất, là trợ giúp phục hồi thông qua ngành y tế, các trung tâm tư vấn Bảo trợ xã hội” - ông An lý giải. “Chân” thứ hai là can thiệp dự phòng phát hiện sớm bằng hỗ trợ thông tin, tài liệu. “Do đó, cần một chương trình tầm cỡ quốc gia như Chương trình phòng chống tai nạn thương tích và chương trình chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, hoặc như Đề án 1215…”, ông An nói.

Cần đưa mục tiêu, biện pháp để nâng cao hiểu biết và nhận thức về rối nhiễu tâm trí ở trẻ em cho toàn cộng đồng và cho đội ngũ nhân viên y tế. Theo BS An, các chương trình giáo dục sức khỏe phải tiến hành bắt buộc về phòng chống rối nhiễu tâm trí đối với các thầy thuốc, các nhà hoạch định chính sách, các bậc cha mẹ và tất cả những ai liên quan đến giáo dục, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, hệ thống y tế trường học phải được củng cố theo hướng thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm rối nhiễu tâm trí ở học sinh và phối hợp với gia đình điều trị dưới hướng dẫn của cơ sở y tế chuyên khoa. Song song với đó, các cơ sở y tế khám và điều trị rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng phải được hỗ trợ và khuyến khích phát triển.

Chương trình cũng nên phân vùng đối tượng. “Với dân cư thành thị, việc phổ cập thông tin không quá khó, có thể thông qua kênh internet. Nhưng với vùng nông thôn, cần có các mô hình đa dạng tại cộng đồng như hình thành các câu lạc bộ cho các bà mẹ có con nhỏ rồi cung cấp thông tin”- chuyên gia từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em đề xuất.

Ủng hộ việc cần một chương trình tổng thể cấp quốc gia về vấn đề này, theo bà Hoàng Thị Bằng, đại diện tổ chức WHO, nên thiết kế sổ tay cung cấp thông tin qua nhiều kênh để đến tay các ông bố, bà mẹ. Mặt khác, có thể nghiên cứu việc đưa nội dung phòng chống rối nhiễu tâm trí trẻ em vào chương trình của giáo dục mầm non theo hướng phát hiện, dự phòng.

Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết Quỹ này đang xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho phụ nữ và trẻ em, trong đó tập trung trước hết vào chuyện trẻ em bị rối nhiễu tâm trí, tiếp đó là vấn đề sức khỏe tâm thần của bà mẹ mang thai.

Điều cần thiết chính là sự hợp tác giữa nhiều đơn vị có liên quan nhất là Bộ Y tế, Cục Bảo trợ xã hội và Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em… - các chuyên gia WHO, Tổ chức cứu trợ trẻ em và UNICEF khuyến cáo.

Mạnh Minh

Báo động chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em-Bài 2: Có thể phòng ngừa sớm
Báo động chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em-Bài 2: Có thể phòng ngừa sớm

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị rối nhiễu tâm trí nhưng điểm mấu chốt là sự chủ quan, xem nhẹ hoặc thiếu những kiến thức cơ bản để đương đầu với trẻ khi trẻ “gặp vấn đề”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN