Báo động chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em - Bài 1: Đủ kiểu rối nhiễu tâm trí ở trẻ

Hiện tượng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em xảy ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, lâu nay, việc chăm sóc trẻ mới chỉ chú trọng về mặt thể chất. Thực tế trẻ mắc bệnh cùng những hệ quả nghiêm trọng của nó cho thấy đây không còn là chuyện riêng dưới mỗi mái nhà.

Rất nhiều trường hợp trẻ dưới 5 tuổi bị rối nhiễu tâm trí (nhiều nhất là chứng tự kỷ, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý...) nên phòng trị liệu cho các bé được trang trí và thiết kế sinh động như một lớp học mầm non.


Tăng động giảm chú ý, trầm cảm, tự kỷ, rối nhiễu hành vi, thậm chí, nhiều trường hợp vì không được can thiệp kịp thời, trẻ đã có hành động dại dột như tự thương, tự tử… là những dạng rối nhiễu tâm trí thường gặp ở trẻ. Điều đáng báo động là hiện tượng này ngày càng tăng.

Ngồi chờ con ở phòng đón tiếp của phòng khám Tuna Tư vấn- Dự phòng- Điều trị rối nhiễu tâm trí (Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng RTCCD trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), chị X. mặt buồn xo. P. là con trai đầu lòng của anh chị, nhưng chị rầu rầu kể: “Cháu khỏe mạnh, bụ bẫm, không hề chậm nói. Nhưng cách đây 1 năm rưỡi, gia đình tôi mới bắt đầu để ý thấy cháu mất tập trung, không thích chơi với các bạn… Lúc đầu không nghĩ là cháu bị bệnh, nhưng gần đây, cháu càng mất tập trung, vợ chồng tôi mới lo và đưa đi khám”. Chị kể tiếp: “Tôi và chồng tôi bận nên việc chăm sóc cháu chủ yếu do ông bà. Ba tuổi rưỡi chúng tôi mới cho cháu đi học. Tháng đầu tiên, hôm nào đến lớp cháu cũng khóc”.

Tầng 3 là nơi cậu con trai của chị X. đang được trị liệu. Trong căn phòng rộng chừng 30 mét vuông được trang trí và bày biện tươi tắn và vui mắt như một lớp mẫu giáo, có tranh tường là các nhân vật hoạt hình, có giá gỗ và tủ gương đựng đồ chơi, nhân viên trị liệu Bùi Văn Tuân khẽ bảo bé P.: “Con lại giá sách tìm cho chú rổ thẻ tranh nhé!”

Cậu bé 4 tuổi đi đến giá sách rồi đứng tần ngần. Anh Tuân động viên: “P. thử nhớ xem chú bảo con tìm gì nhỉ?” Cậu bé quay đầu lại khi thấy gọi tên mình, nhưng vẫn ngơ ngác. Anh Tuân lại tiếp lời: “Nếu con quên mất rồi thì con phải hỏi chú như thế nào nhỉ?”

Cứ thế mấy lần, bé P. mới nhớ được việc mình cần làm.

“Bé P. mắc chứng giảm chú ý. Đây là biểu hiện của dạng rối loạn tăng động giảm chú ý- một trong những loại rối nhiễu tâm trí thường gặp ở trẻ hiện nay”, anh Tuân kể, sau khi kết thúc buổi trị liệu với bé P. “Hôm nay là buổi thứ tư. Bé đã khá hơn một chút. Hôm đầu gặp, P. nói rất nhỏ, nhút nhát và khóc nhè nữa. Nhưng hôm nay thì bé không khóc, trả lời dõng dạc hơn”.

Lớn hơn một chút, ở tuổi vị thành niên, trẻ hay rơi vào rối loạn cảm xúc (trầm cảm), rối loạn hành vi đạo đức. Theo chị Nguyễn Thị Nga, một nhân viên trị liệu tâm lý khác cũng ở Trung tâm RTCCD, chị còn rất nhớ trường hợp một em gái trầm cảm vì có người bố bạo hành, thường xuyên đánh mẹ và thỉnh thoảng đánh cả con mình. “Một thời gian dài, cô bé lâm vào buồn chán, đi học thì lủi thủi, không chuyện trò giao tiếp với ai, không muốn ăn gì, khóc lóc suốt. Người mẹ quá lo cho con, đã giấu chồng đưa con đi khám. Rồi chị đưa con ra ở trọ để tránh những trận đánh mắng của chồng”. Theo chị Nga, câu chuyện này cho thấy sự bạo hành trong gia đình gây sức ép rất lớn đến tinh thần của con trẻ; gây nên rối loạn cảm xúc.

Một dạng khác của rối nhiễu tâm trí là rối nhiễu hành vi, biểu hiện là tật ăn cắp vặt ở trẻ. Bác sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna vẫn ấn tượng về trường hợp một cậu học sinh 13 tuổi học trường quốc tế, gia đình giàu có nhưng lại ăn cắp đồ. “Đây là kiểu hành vi lệch lạc so với chuẩn đạo đức thông thường. Nhưng người bố đã không tìm hiểu kỹ nguyên nhân mà mắng con. Mắng không được thì đánh con “lên bờ xuống ruộng”. Đến đây điều trị, cậu bé tâm sự: “Lúc cao trào nhất là con muốn bỏ nhà ra đi”.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: Thuật ngữ “rối nhiễu tâm trí” được dùng để chỉ trạng thái lệch lạc về sức khỏe tâm trí trong một thời gian đủ dài, đòi hỏi phải có sự can thiệp chuyên môn để tránh nặng dần dẫn đến tổn thương khó hồi phục. Bệnh là xu hướng thời hiện đại và càng ngày càng nhiều. Theo Khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương), mấy năm trước, mỗi năm chỉ vài trăm cháu đến khám thì năm 2010 đã có 2.000 cháu đến khám có dấu hiệu liên quan đến tự kỷ.

“Rối nhiễu tâm trí ở trẻ lứa tuổi học đường là nguyên nhân chính làm giảm sút chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ trẻ bỏ lớp và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tự tử trong học sinh”, ông An bổ sung. Thực tế ở Việt Nam, những năm gần đây, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tai nạn thương tích ở trẻ.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Bài 2: Có thể phòng ngừa sớm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN