Nhân Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ lần thứ 16:

Bảo đảm an toàn cho người lao động

Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ lần thứ 16 được phát động trên phạm vi cả nước từ 16/3 - 22/3/2014. Chủ đề năm nay của hoạt động thường niên này là “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”.


Theo Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, trong năm 2013, toàn quốc có 6.600 vụ tai nạn lao động, làm chết 627 người, bị thương nặng 1.500 người, gây thiệt hại 72 tỉ đồng và hàng trăm ngàn ngày công lao động. Trong năm 2013, trên toàn quốc xảy ra gần 2.700 vụ cháy nổ làm chết trên 100 người, bị thương gần 200 người. So với năm 2012 số vụ cháy nổ tăng hơn 900 vụ, thiệt hại ước tính gần 1.700 tỷ đồng.


Trách nhiệm của chủ sử dụng lao động


Theo thống kê, 59% nguyên nhân các vụ tai nạn lao động trong năm qua tại Việt Nam là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, trang bị thiết bị bảo hộ lao động cá nhân còn sơ sài...

 

Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại khu tái định cư Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN


Tại Lào Cai, nơi có trên 35 mỏ đá, công suất từ một vạn đến năm vạn mét khối/năm, hầu hết các mỏ đều sử dụng công nghệ và máy móc thiết bị khai thác, chế biến đá của Trung Quốc; tuy có giấy phép khai thác, nhưng hầu hết lao động đều thuê mướn nông dân theo thời vụ nên không bảo đảm các điều kiện, quy định về an toàn lao động, chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Trong khai thác đá lộ thiên, yêu cầu nghiêm ngặt là phải cắt tầng khai thác, rộng ít nhất từ 4 - 8 m, theo hướng cắt từ trên xuống dưới để tránh trượt lở, nhưng hầu hết các điểm mỏ trên địa bàn đều không tuân thủ triệt để yêu cầu kỹ thuật này.

Nhiều mỏ cắt đá thành "máng trượt", vách đá cao và dốc gần như dựng đứng, nhiều tảng đá treo lởm chởm trên cao, chỉ chực rơi xuống. Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị chức năng của Lào Cai nhiều lần kiểm tra các mỏ đá đang hoạt động trên địa bàn, đã phát hiện gần 20 mỏ không có thiết kế thi công; 10 mỏ không có giám đốc điều hành; tất cả các mỏ đều không cắt tầng khai thác, độ dốc sườn tầng gấp đôi độ dốc cho phép (từ 70 - 80 độ); 15 mỏ có đá treo trên sườn tầng rất nguy hiểm cho người và phương tiện khai thác; 12 mỏ không thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy nổ; 7 mỏ không trang bị phương tiện bảo hộ và 19 mỏ không khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, người lao động.


Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ LĐ - TB&XH cho biết: Có nhiều văn bản quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn, kể cả trong công tác huấn luyện, trang bị an toàn cho người lao động. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều bất cập. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra công tác này còn khó khăn. Hệ thống thanh tra của Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 470 người không thể thanh tra, kiểm tra số lượng hơn 700 nghìn doanh nghiệp.


Bộ LĐ - TB&XH đã ban hành quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Theo đó, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở; người làm công tác quản lý kiêm phụ trách công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động ít nhất là 48 giờ (thay cho 24 giờ tại các quy định trước). Chủ sử dụng lao động không thực hiện việc huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động sẽ bị phạt từ 25-30 triệu đồng, đây là mức phạt cao so với trước đây.


Hiện nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp, nhất là trong ngành nghề lao động độc hại tuyển lao động từ những vùng nông thôn nên sự hiểu biết ban đầu của người lao động về kỹ năng an toàn rất thấp. Bộ Luật Lao động cũng đã quy định rõ lao động ở những ngành nghề lao động nặng nhọc phải được đào tạo và cấp chứng chỉ.


Đáng lưu ý, dù Bộ LĐ - TB&XH đã có quy định về việc báo cáo các vấn đề về an toàn lao động nhưng hiện mới chỉ có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước báo cáo tương đối tốt, các doanh nghiệp nhỏ, vùng sâu, vùng xa chưa thực hiện đầy đủ.


Thúc đẩy “văn hóa phòng ngừa”


Bộ trưởng Bộ LĐ- TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền chỉ đạo: Để thực hiện thắng lợi công tác ATVSLĐ- PCCN năm 2014, đề nghị các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động tập trung thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn trong lao động, có biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời và công khai thông tin đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ- PCCN… Đây được xem là một bước đột phá nhằm đưa chính sách pháp luật về ATVSLĐ- PCCN đến với đông đảo các tầng lớp công nhân lao động.


Trên thực tế, trong rất nhiều vụ tai nạn, người lao động thiệt mạng do thiếu kỹ năng trong thoát hiểm. Theo ông Hà Tất Thắng: Do áp lực về việc làm và cuộc sống nên nhiều người lao động từ nông thôn ra sẵn sàng chấp nhận làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Hiện nay, cơ quan nhà nước rất khó kiểm soát doanh nghiệp tư nhân, bởi có nhiều đơn vị chỉ thỏa thuận với người lao động bằng "hợp đồng miệng". Vì vậy, Bộ LĐ - TB&XH đang tập trung xã hội hóa các Trung tâm huấn luyện. Tới đây, các lao động tự do có thể đến học để có chứng chỉ hành nghề tại các trung tâm tư nhân cung cấp dịch vụ huấn luyện đạt chuẩn. Bộ LĐ - TB&XH đang đẩy mạnh công tác thanh tra liên ngành kiểm tra các ngành, các doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các văn bản mới.


Ông Sziraczki Gyorgy, Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết với việc gia nhập Công ước 187, về khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động, Việt Nam đã trở thành nước thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á gia nhập Công ước 187, là tấm gương điển hình trong khu vực về đảm bảo nơi làm việc an toàn hơn, đồng thời gửi ra thế giới một thông điệp mạnh mẽ rằng, các sản phẩm của Việt Nam được sản xuất trong các điều kiện an toàn. Để tiếp tục phát huy, đề nghị Việt Nam nên tiến hành các bước tiếp theo như: cải thiện số liệu thống kê bởi kiến thức là chìa khóa phòng ngừa; thúc đẩy “văn hóa phòng ngừa” trong xã hội; tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng; cải thiện hệ thống giám sát y tế quốc gia và thanh tra lao động; tăng cường cải thiện các chính sách và phương thức thực hành an toàn vệ sinh lao động.

 

PV (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN