XII- XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH, NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG
1. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị
Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Kiên định đường lối đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc.
Khẩn trương triển khai cụ thể hoá, thể chế hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI. Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội.
2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận
Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận. Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận, cải tiến tổ chức nghiên cứu lý luận phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn. Tổng kết 30 năm đổi mới đất nước.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, cổ vũ động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục công dân trong hệ thống các trường chính trị, các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Xây dựng và thực hiện quy định mọi đảng viên có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng. Cán bộ chủ chốt cấp uỷ đảng phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội. Đổi mới hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn theo hướng thiết thực, hiệu quả.
3. Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân.
Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các tổ chức đảng tạo điều kiện để đảng viên công tác, lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.
Triển khai thực hiện tốt Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân. Định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lối sống.
4. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị
Tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Sớm tổng kết việc thực hiện sáp nhập một số ban, bộ, ngành trung ương để có chủ trương phù hợp. Kiện toàn, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, nhất là ở cấp chiến lược.
Tổng kết, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp củng cố và đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, nhất là của đảng đoàn, ban cán sự đảng. Tập trung chỉ đạo, củng cố những tổ chức đảng yếu kém; kịp thời kiện toàn cấp uỷ và tăng cường cán bộ ở nơi có nhiều khó khăn, nội bộ mất đoàn kết. Coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, tổ chức đảng, chất lượng tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng.
Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ ở cơ sở đến sinh hoạt Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Chống quan liêu, bè phái, cục bộ, địa phương, lối làm việc vô nguyên tắc, vi phạm kỷ luật, vi phạm dân chủ.
5. Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên
Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, trước hết là bí thư cấp uỷ. Thực hiện trẻ hoá, tiêu chuẩn hoá, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cán bộ cơ sở.
Đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng chính trị, trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới; phát huy tính tiền phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên. Tổng kết, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về đảng viên làm kinh tế tư nhân. Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
6. Đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa. Thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành, các cấp; khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín. Tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển.
Nghiên cứu ban hành và thực hiện tốt chính sách sử dụng và quản lý cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị. Chú trọng nắm và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay.
7. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát
Các cấp uỷ, tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống uỷ ban kiểm tra các cấp. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra đảng với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên.
8. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam . Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp uỷ viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đổi mới cách ra nghị quyết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục, giảm bớt giấy tờ, hội họp; sâu sát thực tế, cơ sở; nói đi đôi với làm.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
- Cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của đất nước.
- Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự phát triển kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân.
- Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay.
- Tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc (suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự, kỷ cương xã hội).
- Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này.
Đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn và đang vững bước đi lên. Tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, tạo cho nước ta nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đại hội XI của Đảng khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
(1). Trong 5 năm 2006 - 2010, tổng vốn FDI thực hiện đạt gần 45 tỉ USD, vượt 77,8% so với kế hoạch đề ra. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt 146,8 tỉ USD, gấp 2,7 lần kế hoạch đề ra và gấp hơn 7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Tổng vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỉ USD, gấp hơn 1,3 lần so với mục tiêu đề ra; giải ngân ước đạt khoảng 13,8 tỉ USD, vượt 17,5%.
(2). Tỉ trọng khu vực công nghiệp trong cơ cấu GDP từ 41% (năm 2005) tăng lên 41,1% (năm 2010); khu vực dịch vụ từ 38% (năm 2005) tăng lên 38,3% (năm 2010); khu vực nông nghiệp từ 21% (năm 2005) giảm xuống 20,6% (năm 2010).
Cơ cấu lao động trong nông nghiệp từ 57,1% (năm 2005) giảm xuống 48,2% (năm 2010); trong công nghiệp và xây dựng từ 18,2% (năm 2005) tăng lên 22,4% (năm 2010); dịch vụ từ 24,7% (năm 2005) tăng lên 29,4% (năm 2010).
(3). Chỉ số phát triển con người tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên 0,733 (năm 2008), xếp thứ 100/177 nước, thuộc nhóm trung bình cao; hoàn thành 6/8 nhóm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc đặt ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015.
(4). Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giảm từ 29 xuống còn 22.
(5). Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 7% (chỉ tiêu Đại hội X đề ra là 7,5 - 8%, phấn đấu đạt trên 8,0%/năm). Cơ cấu ngành trong GDP: khu vực công nghiệp, xây dựng 41,1% (chỉ tiêu 43 - 44%); dịch vụ 38,3% (chỉ tiêu 40 - 41%); nông nghiệp 20,6% (chỉ tiêu 15 - 16%).