Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 này, mưa nhiều, sạt lở đất, đá xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu. Đường vào bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi cũng vì thế mà trơn trượt, nhão nhoét. Chỉ hơn 4km từ trung tâm xã vào đến bản nhưng chúng tôi đi xe máy phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ mới vào được đến nơi.
Người dân bản Hua Cuổi lấy măng về ăn thay rau. |
Bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, huyện biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có hơn 100 hộ dân tộc Thái đen, với hơn 500 nhân khẩu sinh sống. Là một bản thuộc vùng sâu, vùng xa, đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.
Trong những ngày này, người dân bản Hua Cuổi lại càng rơi cào tình thế nguy hiểm bởi ôm trọn sau lưng bản là phần núi có nhiều chỗ nứt, sạt lở, vòng cung dài hàng trăm mét. Phía trước mặt bản là suối Nậm Cuổi ngày đêm gầm réo; hai phía bên phải, trái của bản có hai đường đi ra trung tâm xã và đường liên thông với các bản khác, nhưng các lối đi này đều là đường đất rộng chừng hơn một mét, mùa mưa chỉ có thể đi bộ...
Người dân lo ngại, trong tình huống xấu nhất là bản bị lũ quét, sạt lở lớn, thiệt hại sẽ còn lớn hơn thảm họa lũ quét đã từng xảy ra cách đây 15 năm với bản Nậm Coóng, cùng xã Nậm Cuổi, khiến gần 40 người chết, hàng chục người bị thương.
Anh Quàng Văn Puấn, trưởng bản Hua Cuổi cho biết: "Những ngày mưa, đi ra trung tâm xã, bà con ở đây chỉ đi bộ thôi, đi bộ còn nhanh hơn đi xe máy". Có một con đường dài hơn 10km đi từ bản Hua Cuổi đi qua bản Nậm Coóng, rồi ra trung tâm xã Nậm Cuổi, nhưng lối này hiện nay cũng bị sạt lở, đường trơn, không đi được xe máy, chỉ có thể đi bộ.
Chỉ tay về phía núi sau lưng bản, Bí thư Chi bộ bản Hua Cuổi Lò Văn Ún cho biết thêm, cung sạt, sụt lún này bắt đầu xuất hiện từ sau trận mưa lớn, gây ra trận lũ quét kinh hoàng đối với bản Nậm Cóong, hơn chục năm về trước. Lúc đầu những chỗ sạt, sụt này nhỏ chỉ một, hai gang tay người lớn nhưng mỗi năm nó lại càng dài, to và sâu hơn. Đến nay, nhiều chỗ miệng của cung sạt đã ngoác ra đến cả sải tay, sâu vài sải tay...
Đồng chí Bí thư Chi bộ bản Hua Cuổi chỉ cho phóng viên khe sạt lở ngày càng nguy hiểm ngay đầu bản ảnh hưởng cận kề đến người trong bản. |
Phía trước bản, dòng suối Nậm Cuổi suốt ngày gầm réo, nhất là những ngày mưa, nước từ thượng nguồn đổ về đỏ ngầu. Có đêm, nước lũ đã dâng lên đến nền nhà của một số hộ dân trong bản ở ven suối. Hầu hết các hộ dân trong bản mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để chuyển nhà đến nơi ở khác, bởi cứ đêm nào có mưa to là bà con dân bản lại không dám ngủ, có ngủ giấc cũng chỉ là giấc chập chờn.
Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền bản Hua Cuổi đã không ít lần kiến nghị với xã và các đoàn tiếp xúc cử tri các cấp, xin được hỗ trợ, chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm này nhưng đến nay nguyện vọng của bà con nơi đây vẫn chưa được thực hiện.
Vì vậy, trong vòng hai năm qua, 16 hộ dân của bản Hua Cuổi có điều kiện kinh tế nhất bản, đã phải chủ động mua đất nương, cách bản khoảng 1km, dựng nhà ở để đảm bảo an toàn. Hơn 30 hộ dân bản Hua Cuổi cũng dự định cuối năm nay đến đầu năm sau sẽ tự túc chuyển nhà ra khỏi khu vực trên.
Ông Lù Văn Ín, Chủ tịch UBND xã Nậm Cuổi cho biết, xã cũng đã nhiều lần trình UBND huyện Sìn Hồ, xin được di chuyển người dân bản Hua Cuổi ra khỏi khu vực ngã ba suối Nậm Cuổi, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở cao, đến hai điểm Phương Pá Hốc và Ná Khoa Luông, để bà con ổn định cuộc sống, đảm bảo tài sản, tính mạng...
Tuy nhiên theo ông Đồng Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, mặc dù huyện đã lập dự án di chuyển dân bản Hua Cuổi nhưng đầu năm 2015, theo khảo sát lại của huyện, vì mức độ nguy hiểm được đánh giá không lớn lắm nên dự án này đã được tạm dừng.
UBND huyện Sìn Hồ đang xin tỉnh Lai Châu không chuyển bản Hua Cuổi mà tiến hành khoanh nuôi bảo vệ rừng toàn bộ khu vực bản đồng thời xin làm đường nối thông từ bản này ra bản Nậm Cóong và nối liền với xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (Lai Châu).
Vậy là để phòng tránh thiên tai, sạt lở, lũ quét cận kề, người dân bản Hua Cuổi đã và đang phải chủ động, tự túc chuyển nhà đến nơi ở mới, trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Chính quyền các cấp, các ngành chức năng địa phương cũng cần có sự khảo sát kỹ lưỡng khu vực nguy cơ thiên tai này để có sự hỗ trợ, giúp đỡ người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống...