Là tỉnh miền núi, biên giới nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có cột cờ Quốc gia Lũng Cú, có Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Ai đến Hà Giang, đến thăm cột cờ Quốc gia Lũng Cú, nhất định phải đi dọc Quốc lộ 4C, con đường huyền thoại đẹp như mơ đầy chất bi hùng và lãng mạn với những địa danh đã đi vào lòng dường như: Cổng trời Quản Bạ, núi Cô tiên (núi Đôi), dốc Pắc Xum, đèo Thẩm Mã. Đặc biệt là Mã Pì Lèng được mệnh danh là “đệ nhất kỳ quan”, là một trong tứ đại đỉnh đèo của miền núi phía Bắc nước ta, là điểm đến vô cùng hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Mạnh Thùy, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang cho biết: Quốc lộ 4C chính là con đường Hạnh Phúc cái tên gọi thân thương trìu mềm gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Hà Giang, dài gần 200 km, bắt đầu từ thành phố Hà Giang đi quan 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Con đường được khởi công ngày 10/9/1959, hoàn thành ngày 10/3/1965.
Đường Hạnh Phúc - Con đường của gian khổ, hy sinh, của cả hoa và máu; là huyền thoại về sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Hải Dương trong suốt 8 năm lao động thủ công quên mình với trên 2 triệu ngày công. Riêng ở dốc Mã Pí Lèng - nóc nhà của vùng cao nguyên đá, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường.
Bà Viên Chí Anh, một cựu thanh niên xung phong người Lạng Sơn cho biết: Nghe theo tiếng gọi của Đảng, năm 1959 chúng tôi những thanh niên xung phong tình nguyện đi tham gia mở đường Hạnh Phúc. Lần đầu tiên xa nhà, xa quê hương, xa mái trường thân yêu, xa bạn bè cùng trang lứa với bao nỗi nhớ nhung, khó khăn, gian khổ và thử thách. Khi đặt chân đến đất Hà Giang, người ta đồn rằng “Hà Giang nước độc rừng thiên, ai đi đến đó dễ quên đường về”, nhưng lớp thanh niên xung phong chúng tôi ngày ấy đã nghe theo lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Tất cả thanh niên xung phong chúng tôi đều đã hạ quyết tâm dù khó khăn, vất vả đến mấy cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, không rời đồng đội bỏ về quê.
17 thanh niên trong đội cảm tử đã phải treo mình bằng dây buộc vào một cây nghiến cổ thụ trên đỉnh núi ròng từ trên xuống, bám vào các vách đá ở độ cao trên 1.600 mét, ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng tay và dụng cụ thủ công để hoàn thành đoạn vượt đỉnh Mã Pí Lèng.
Sau gần 6 năm thi công, con đường Hạnh Phúc được hoàn thành ngày 20/3/1965, con đường huyết mạch nối thành phố Hà Giang lên 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Để có được con đường Hạnh Phúc lịch sử, 14 thanh niên xung phong đã nằm lại trên những cung đường mùa xuân. Chính từ con đường này đã đem lại hạnh phúc thực sự cho đồng bào dân tộc thiểu số 4 huyện vùng cao biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc hôm nay.
Ngày nay đi trên con đường Hạnh Phúc, chứng kiến cuộc sống đổi thay của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, khó ai có thể tin rẳng chỉ có dụng cụ thô sơ, với bàn tay, khối óc những thanh niên xung phong đã lao động miệt mài cần mẫn, làm nên con đường Hạnh Phúc này.
Từ con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc, hệ thống giao thông huyết mạch của Hà Giang hôm nay đã không ngừng phát triển, từng bước hiện đại, kết nối Hà Giang với các vùng miền trong cả nước. Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và có đường Hạnh Phúc, Hà Giang đã đạt được những kết quả đáng kích lệ: Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống của nhân dân các dân tộc ngày càng được nâng cao.
Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho biết: Những thành quả trên là hành trang, niềm tin vững chắc để Hà Giang quyết tâm hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 và phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân của tỉnh đạt 7,5%; thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 40 vạn tấn/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm; 100% thôn biên giới có đường, đường giao thông đạt chuẩn.
Bài học từ sự đoàn kết trong quá trình mở đường Hạnh Phúc được hun đúc từ bao gian nan, thử thách sẽ mãi mãi là kim chỉ nam để Hà Giang không ngừng vươn lên, xóa đói giảm nghèo, trở thành điểm sáng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.