Sáu năm trước thềm Đại hội thể thao châu Á năm 2019 (Asiad 18), Thể thao Việt Nam (TTVN) đã thúc đẩy đào tạo lực lượng vận động viên với hy vọng tạo nên bước đột phá về thành tích ở giải đấu được tổ chức trên sân nhà.
Đầu tư trọng điểm
Năm 2013 là năm nền tảng của công tác chuẩn bị và tổ chức Asiad 18. Rất nhiều đề án quan trọng đã và đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt, hướng tới việc tổ chức một kỳ Asiad thành công. Trong đó, “Chương trình đào tạo VĐV cho Asiad 18 năm 2019” được đánh giá là một trong những đề án quan trọng nhất. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia đầu ngành, với xuất phát điểm thấp của TTVN so với các cường quốc thể thao châu lục, nếu không bắt tay ngay vào xây dựng lực lượng VĐV, thì e rằng quãng thời gian 6 năm là không kịp để có một lứa VĐV tài năng, đủ sức đua tranh tại Asiad 18.
Ánh Viên là một trong những niềm hy vọng của Thể thao Việt Nam. Ảnh: zimbio
|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Lâm Quang Thành, cho biết: “Chương trình đào tạo VĐV cho Asiad 18 năm 2019” có những nội dung chủ yếu: Tập trung rà soát các hệ thống đào tạo VĐV năng khiếu của tất cả các tỉnh, thành, ngành, từ đó sàng lọc lực lượng VĐV trẻ, thậm chí giám định tất cả VĐV ở các đội tuyển trẻ đang được tập huấn hiện nay. Đề án lấy mốc Olympic trẻ 2014 và các giải trẻ, các kỳ SEA Games ở những năm sau, để tuyển chọn VĐV. Nếu được phê duyệt, chương trình sẽ được thực hiện từ tháng 1/2014.
Trong đề án này, các môn mà TTVN dự kiến sẽ tham gia tại Asiad 18 được chia làm 6 nhóm đầu tư. Nhóm 1 là nhóm SAO (được đầu tư để giành Huy chương Vàng SEA Games, Asiad, Olympic), gồm 4 môn: Bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, taekwondo. Nhóm 2 là nhóm SAQ (giành huy chương SEA Games, Asiad và đạt chuẩn Olympic): Điền kinh, bơi lội, vật, judo, boxing… Nhóm 3 là nhóm SA (huy chương SEA Games, Asiad): Karatedo, wushu, cầu mây... Nhóm 4 là nhóm SEA (HCV SEA Games): Cờ vua, pencak silat, billiards & snooker, rowing, canoeing, thể hình, vovinam, muay, sport aerobic... Nhóm 5 là nhóm SPO (nhóm tiềm năng): Đấu kiếm, bắn cung, nhảy cầu, xe đạp. Nhóm 6 là nhóm SPEX (nhóm nỗ lực), gồm các môn còn có khoảng cách lớn so với trình độ thế giới: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt... Các nhóm trọng điểm được tập trung mọi nguồn lực chính là SAO, SAQ và một số môn thuộc nhóm SA.
Theo ông Thành, các VĐV thuộc nhóm trọng điểm sẽ được đầu tư đặc biệt, từ công tác quản lý, áp dụng kỹ thuật cao vào tập luyện, dinh dưỡng đặc biệt, cho đến tâm lý, giáo dục, kiểm tra y sinh học trong tập luyện và thi đấu, hồi phục.
Những dự án sớm
Mấu chốt của “Chương trình đào tạo VĐV cho Asiad 18 năm 2019” là các VĐV sẽ tham gia vào các chương trình tập huấn dài hạn, đặc biệt là ở nước ngoài. Một số môn sẽ được Tổng cục TDTT giao cho các địa phương, liên đoàn, phối hợp đầu tư.
Hiện tại, do quỹ thời gian không còn nhiều, nên ngành TDTT đã sớm cho triển khai một số dự án nằm trong kế hoạch chuẩn bị nguồn VĐV cho Asiad 18. Ở môn bơi, ngay từ năm 2012, nữ kỳ ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (17 tuổi) đã được đầu tư mạnh mẽ, được đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn và gần đây đã liên tục đạt được những thành tích hết sức ấn tượng.
Ở môn điền kinh, TTVN hiện sở hữu một tài năng trẻ khác là Quách Thị Lan, cũng mới 17 tuổi. Nội dung sở trường của Lan là 400m rào nữ và thông số thành tích của Lan hiện ở mức HCV châu lục. Từ đầu năm nay, Lan và 3 VĐV khác của Thanh Hóa đã được gửi đi tập huấn nước ngoài, với tổng kinh phí lên tới 4 tỷ đồng (tỉnh Thanh Hóa chi 3,4 tỷ đồng, còn lại là Tổng cục TDTT).
Trong năm 2012 và 2013, một số VĐV trọng điểm ở các môn bơi, điền kinh, judo, đua xe đạp, bóng đá… đã được tham gia các chương trình tập huấn dài hạn ở trong và ngoài nước. |
Với môn judo, trong tháng 10 này, 4 VĐV sẽ lên đường sang Nhật Bản, tham dự khóa học kéo dài gần 7 năm. Toàn bộ kinh phí tập huấn cho 4 VĐV sẽ do phía Nhật Bản tài trợ. Việc các VĐV được đào tạo một cách bài bản ở một môi trường thuận lợi, hy vọng sẽ giúp judo Việt Nam đạt thành tích cao tại Asiad 18.
Tương tự như vậy, kể từ đầu tháng 9 vừa qua, 2 VĐV đua xe đạp Việt Nam đã sang tập huấn môn đua xe đạp lòng chảo tại Hàn Quốc trong vòng 1,5 tháng, với kinh phí 321 triệu đồng. Đây chỉ là khởi đầu trong kế hoạch đào tạo miễn phí cho khoảng 400 VĐV đua xe đạp Việt Nam tại Hàn Quốc, nhằm thúc đẩy dự án xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình (Hà Nội), chuẩn bị cho Asiad 18.
Cũng nằm trong kế hoạch hướng tới Asiad 18, mới đây, 2 lớp dự tuyển bóng đá trẻ quốc gia (U19 nữ và U16 nam) đã khai giảng tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, với kinh phí đề xuất đầu tư là 56 tỷ đồng, từ nay tới năm 2019.
Song Long