Áp dụng đánh giá, không cho điểm học sinh lớp 1

Năm học 2013 - 2014, Bộ GD - ĐT khuyến khích các trường không chấm điểm học sinh lớp 1 mà đánh giá theo cách mới, ghi nhận sự tiến bộ của học sinh. TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu áp dụng thực hiện chủ trương này.


Giảm áp lực điểm số


Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Năm học 2013 - 2014, Bộ khuyến khích các trường không chấm điểm học sinh lớp 1, thực hiện đánh giá theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng em, giúp các em cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Theo quy định của Bộ, khi vào năm học mới, các trường tiểu học phải tổ chức "tuần làm quen" đối với lớp 1, nhằm giúp học sinh thích nghi với môi trường học tập mới và cảm thấy vui thích khi được đi học. Giáo viên cũng bắt đầu dạy trẻ tập viết chữ, đọc, ghép vần, chính tả...


Tại công văn số 5478/BGDĐT - GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013 - 2014, do Bộ GD - ĐT ban hành, nêu rõ: “Đối với việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học, không được so sánh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào". Đây là chủ trương đúng đắn của Bộ GD - ĐT trước nhiều ý kiến việc chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ dẫn đến sự so sánh, ganh đua và các bậc phụ huynh cho con học trước chương trình, tạo áp lực lên trẻ.


Thực hiện chủ trương này, ngay từ đầu năm học 2013 - 2014, TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn tạm thời việc đánh giá, không cho điểm học sinh lớp 1 trong năm học 2013 - 2014. Theo đó, có hai hình thức đánh giá là thường xuyên và định kỳ. Đánh giá thường xuyên gồm việc nhận xét miệng qua từng bài học, qua bài viết (dưới 20 phút), quan sát từng hoạt động, vận dụng kiến thức kỹ năng và nhận xét luân phiên học sinh qua từng tiết học trong một buổi, đảm bảo số lần nhận xét tương ứng với số lần cho điểm như quy định trước đây. Việc đánh giá định kỳ thực hiện với những môn như toán, tiếng Việt, tin học, tiếng dân tộc. Ngoài bài kiểm tra cuối năm bằng điểm số thì kết hợp với những nhận xét ưu điểm, hạn chế, góp ý sửa lỗi. “Điểm số môn toán, tiếng Việt là một phần thể hiện năng lực học tập của học sinh, giáo viên dựa vào đó mà biết đến khả năng tiếp nhận kiến thức đến đâu, ra sao để có hướng giúp đỡ, còn phụ huynh cũng dựa vào điểm số sẽ biết được trẻ học đến đâu mà kèm cặp, hướng dẫn thêm”, đại diện Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết.


Cũng theo đại diện này, từ năm học trước, Sở đã xin phép và thí điểm triển khai không chấm điểm những tháng đầu cho học sinh mới vào lớp 1. Đây là cơ sở tốt để triển khai đại trà trong năm học này.


Cần đánh giá sát


Việc không chấm điểm học sinh lớp 1 của Bộ GD - ĐT đã nhận được sự ủng hộ và đồng tình của nhiều giáo viên, phụ huynh và các cơ sở đào tạo. Thầy Nguyễn Văn Tri, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đánh giá: Điểm số không nói lên được tất cả vì năng lực học sinh lớp 1 không chỉ thể hiện qua một vài bài kiểm tra, mà thể hiện trong cả một quá trình học. Bằng cách nhận xét, giáo viên có cả một quá trình theo dõi, đánh giá từng em, thể hiện sự quan tâm của giáo viên với học trò mình hơn. Bản thân học sinh biết được mình còn có hạn chế gì hoặc mình có ưu điểm nào cần phát huy, qua đó giúp các em không bị áp lực và động viên tinh thần lớn.


Tuy nhiên, để việc này đi vào thực tiễn, đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ từ phía phụ huynh và giáo viên. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho biết: “Giáo viên cần được huấn luyện cách đánh giá học sinh, khen chê như thế nào và cả phụ huynh cũng cần phải thay đổi tư duy, chú trọng đến sự tiến bộ của trẻ cả quá trình và không gây áp lực điểm số lên trẻ”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.


Cùng quan điểm trên, đại diện Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, việc không chấm điểm cho học sinh lớp 1 là phù hợp và đúng đắn, tuy nhiên cần có quá trình và phương pháp thực hiện đồng bộ, cần sự đồng lòng của cả giáo viên và phụ huynh thì mới đem lại hiệu quả tốt.


Theo phương pháp này, các giáo viên sẽ đánh giá HS thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ các em kịp thời, đảm bảo tính công bằng, khách quan và toàn diện. Tuy nhiên, không phải như vậy là buông lỏng chất lượng giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Không chấm điểm học sinh lớp 1, nhưng vẫn cần đánh giá kết quả học tập của học sinh. Việc đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được tiến hành vào cuối học kì I và cuối năm học bằng bài kiểm tra”.

Việc không chấm điểm học sinh lớp 1 sẽ giảm áp lực cho các em, tránh tạo tâm lý tự ti, so sánh giữa các em. Đồng thời làm giảm tình trạng học chữ trước lớp 1.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh


Đan Phương - Thu Trang

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN