Ngày 16-8, sức khỏe ông Phạm Văn Nghiệp (SN 1962, quê Bắc Ninh) đã tạm thời ổn định nhưng vết thương trên mặt vẫn còn nặng khiến ông đau rát. Ngồi trên giường bệnh,ông Nghiệp nói: “Tôi đi du lịch cùng đoàn từ Bắc Ninh vào các tỉnh miền Nam.
Anh Nghiệp với vết phỏng nửa người do cồn gây ra. |
Ngày 14-8, sau khi đoàn rời Đà Lạt, trên đường đến Sài Gòn thì xe ghé vào một quán ăn ở Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai). Khi đang ăn lẩu, bếp gần hết cồn, nhân viên mang bình cồn ra châm. Lúc này lửa phụt lên, nhân viên quán ăn hoảng hốt ném bình cồn vào người tôi làm lửa bốc cháy dữ dội”.
Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng Khoa Phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân Nghiệp nhập viện trong tình trạng vết phỏng nông, chiếm diện tích 14% do cồn gây ra ở mặt, bụng và tay. Ngoài ra, nạn nhân còn bị phỏng mi và kết giác mạc hai mắt.
Theo bác sĩ Đạo, Bệnh viện Chợ Rẫy thỉnh thoảng tiếp nhận những bệnh nhân phỏng nặng do cồn gây ra trong lúc nấu lẩu. Mặc dù nạn nhân bị phỏng cồn thường không để lại di chứng nặng nề như axit nhưng người dân cũng cần hết sức thận trọng.
Theo Suckhoedoisong.vn