Ai sẽ quản lý các trung tâm y tế?

Từ tháng 12/2008 đến nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành liên tiếp 3 quyết định thay đổi đơn vị quản lý các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Nhiều cán bộ y tế cơ sở vì vậy đang cảm thấy bất an và không rõ lý do vì sao?

Gần 3 năm, 3 quyết định thay đổi

“Dù quận, huyện hay Sở Y tế quản lý Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã (TTYT) thì đều là phục vụ nhân dân, nhưng phía cán bộ y tế chúng tôi rất cần sự ổn định. Việc thay đổi đơn vị quản lý liên tục đã và đang làm xáo trộn tư tưởng cán bộ tuyến cơ sở”, ông Trần Minh Sơn, Giám đốc TTYT huyện Phúc Thọ (Hà Nội), phản ánh.

Phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình tổ 19 B, khu tập thể lâm sản, phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh : Hữu Oai- TTXVN


Theo ông Sơn, ngay bản thân ông cũng không rõ vì sao trong một thời gian ngắn mà có nhiều quyết định về việc thay đổi đơn vị quản lý TTYT đến vậy. Tháng 12/2008, tại Quyết định (QĐ) 51, UBND TP Hà Nội quy định quận, huyện quản lý TTYT (bao gồm Phòng khám đa khoa quận, huyện và trạm y tế phường xã)... Sau đó, tháng 7/2009, UBND TP lại có QĐ 79 sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 51, việc quản lý TTYT lại thuộc thành phố, tức là Sở Y tế trực tiếp quản lý. Đến nay, mới có khoảng 2 năm thực hiện QĐ 79 nhưng ngày 2/3/2011, UBND TP lại có QĐ 11, chuyển TTYT về quận, huyện quản lý.

“Hiện nay, dưới sự quản lý của Sở Y tế, hoạt động chỉ đạo chuyên môn xuống các TTYT vẫn đạt hiệu quả cao, nhất là trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh”, một đại diện TTYT huyện Sơn Tây khẳng định.

Hơn nữa, Thông tư liên tịch số 03 ngày 25/4/2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ (Thông tư 03), đã quy định, TTYT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được thành lập thống nhất trên địa bàn cấp huyện, quận, thị xã là một trong số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế. “Kết luận 43 của Bộ Chính trị ngày 1/4/2009, cũng nêu rõ cần tổ chức sắp xếp hệ thống y tế công, đặc biệt y tế cơ sở, tạo ra mô hình hợp lý và ổn định, dựa trên quản lý theo ngành đối với y tế địa phương. Vậy tại sao Hà Nội lại ra QĐ 11, giao việc quản lý các TTYT về cho quận, huyện trong khi chưa sơ kết và chỉ ra những điểm chưa phù hợp của mô hình đang triển khai?”, ông Sơn thắc mắc.

Theo ý kiến của nhiều cán bộ y tế, nếu thực hiện theo QĐ 11 thì vấn đề tham mưu, chỉ đạo chuyên môn y tế tại tuyến quận, huyện sẽ đối diện với nhiều khó khăn. “Ở Sở Y tế, có nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành nên việc chỉ đạo chuyên môn, phòng, chống dịch bệnh xuống y tế cơ sở sẽ đi sâu đi sát hơn. Đặc biệt, có thể dùng ngay kinh phí trong nguồn tự chủ của TTYT để chống dịch. Nhưng nếu TTYT lại chuyển về quận, huyện thì công tác chỉ đạo chuyên môn sẽ bị hạn chế và còn có nguy cơ xảy ra sự quản lý chồng chéo, thậm chí bất hợp tác giữa Phòng Y tế và TTYT (thực tế này đã xảy ra khi thực hiện QĐ 51). Bởi lẽ, so với các TTYT, Phòng y tế quận, huyện, có đội ngũ cán bộ rất mỏng (6 - 7 người/phòng), ít có khả năng tham mưu về chuyên môn”.

Ngày 29/3/20011, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội cân nhắc và xem xét việc phân cấp quản lý y tế (điều 17, QĐ 11) để ổn định và bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản lý trên địa bàn thành phố, phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đảm bảo tính thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo hướng dẫn tại TT liên tịch số 03 giữa Bộ Y tế - Bộ Nội vụ và thực hiện Kết luận số 43 ngày 1/4/2009 của Bộ Chính trị.

“Nếu QĐ 11 được thực thi thì khi có dịch bệnh bùng phát tại địa phương, thay vì báo cáo thẳng lên Sở Y tế, TTYT sẽ phải báo cáo về quận, huyện thông qua Phòng Y tế và chờ quận, huyện báo cáo lên thành phố. Kinh phí để dập dịch cũng phải làm đề xuất xin và chờ quận, huyện duyệt chi. Đó là chưa nói đến chuyện khi có dịch, thảm họa lớn xảy ra, công tác chỉ đạo chuyên môn, triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh giữa các quận, huyện sẽ có nguy cơ lâm vào tình trạng chậm trễ vì phải qua nhiều “cầu” quản lý”, ông Sơn khẳng định.

Cũng chung tâm trạng này, một cán bộ đại diện công đoàn TTYT huyện Ba Vì bức xúc cho biết: “Đã có rất nhiều ý kiến của cán bộ y tế cơ sở trao đổi trực tiếp và gọi điện tới tổ chức công đoàn, thể hiện tâm tư lo lắng trước việc UBND TP Hà Nội ra QĐ 11”.

“Thời gian này, thực sự anh em đang chán nản, bản thân tôi cũng vậy. Nói thật nếu đi được đơn vị khác tôi cũng đi luôn và nhiều anh em khác cũng có chung suy nghĩ như tôi. Chứ thay đổi tổ chức liên tục thế này, anh em rất mệt mỏi, mỗi lần thay đổi là mỗi lần chế độ chính sách gián đoạn, tiền lương chậm và hiệu quả công việc cũng bị ảnh hưởng theo...”, vị đại diện công đoàn TTYT huyện Ba Vì than phiền.

Có “an cư” mới lạc nghiệp

Trước tình huống này, ông Nguyễn Văn Dung, đại diện Sở Y tế đã có văn bản gửi UBND TP, đề xuất giao cho các quận, huyện, thị xã quản lý về công tác tài chính, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của TTYT (bao gồm cả phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế phường, xã thị trấn); Sở Y tế chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý bộ máy tổ chức của các TTYT để đảm bảo cho bộ máy tổ chức y tế cơ sở được ổn định...; thời gian các đơn vị chốt sổ sách là ngày 30/9/2011 và bàn giao vào ngày 1/10/2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có chỉ đạo gì về những đề xuất của Sở Y tế Hà Nội.

“Nếu UBND TP phê duyệt theo đề xuất trên của Sở Y tế thì hoạt động của các TTYT vẫn bị ảnh hưởng. Như thế, bất kỳ một hoạt động nào cũng cần phải có 2 con dấu. Đơn cử như đề bạt trưởng phòng thì một quyết định về tổ chức thôi chưa đủ, còn phải phê duyệt về tài chính của quận, huyện nữa...”, ông Trần Minh Sơn quả quyết.

Rõ ràng, điều mà nhiều cán bộ tại các TTYT quận, huyện đang mong mỏi đó là được ổn định tổ chức. Trường hợp cần thay đổi đơn vị quản lý thì UBND TP Hà Nội cũng cần tổ chức họp, đánh giá, lấy ý kiến của các ban ngành, các cán bộ y tế cơ sở và chỉ rõ những bất cập của mô hình tổ chức hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả công tác chỉ đạo chuyên môn theo ngành và không ảnh hưởng tới tâm lý của nhiều cán bộ y tế cơ sở.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN