Ngày 10/8, Ai Cập đã tạm thời mở cửa khẩu biên giới Rafar, cửa khẩu đóng vai trò sống còn đối với người dân ở dải Gaza của Palextin, trong hai ngày song chỉ cho phép người Palextin đi một chiều là trở về vùng lãnh thổ duyên hải này.
Người dân Palextin đổ về cửa khẩu biên giới Rafar ngày 10/8/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trước đó, tại Gaza, lãnh đạo phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas, ông Ismail Haniyeh, đã kêu gọi Ai Cập mở lại cửa khẩu biên giới Rafar. Ông Haniyeh khẳng định, Hamas ủng hộ Ai Cập điều tra về vụ tấn công tại bán đảo Sinai hôm 5/8 vừa qua làm 16 lính biên phòng Ai Cập thiệt mạng. Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng các tay súng Palextin tham gia vào vụ này, đồng thời nhấn mạnh mục đích của những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công là làm siết chặt sự phong tỏa của Ixraen đối với dải Gaza. Đây là vụ tấn công gây nhiều thương vong nhất tại khu vực biên giới Sinai trong hơn 40 năm qua. Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công này, Ai Cập đã ra lệnh đóng cửa khẩu Rafar.
Tân Hoa xã dẫn nguồn tin an ninh Ai Cập cùng ngày 10/8 cho biết, quân đội nước này đã bắt giữ 9 phiến quân ở Sinai, chỉ vài giờ sau khi triển khai một lực lượng quân sự lớn tới khu vực này. Nhóm phiến quân trên bị bắt khi đang ngủ và do vậy không có giao tranh xảy ra.
Trước đó, chính phủ Ai Cập đã cho triển khai một lực lượng an ninh lớn cùng các trang thiết bị quân sự hạng nặng tới Sinai, trong một chiến dịch truy quét các tay súng Hồi giáo. Theo các nguồn tin tại chỗ, 20 xe bọc thép cùng 30 xe tải chở xe tăng và binh sĩ... đã tiến vào Al-Arish, thủ phủ của Bắc Sinai. Theo nguồn tin an ninh địa phương, quân đội Ai Cập sẽ tiến hành một chiến dịch rộng khắp để truy tìm vũ khí và đạn dược của các tay súng Hồi giáo, đặc biệt tại miền trung Sinai và khu vực biên giới Rafar giáp Ixraen và lãnh thổ của Palextin. Quân đội Ai Cập cũng cho biết, chiến dịch sẽ được tiến hành cho đến khi loại bỏ được hoàn toàn các địa điểm ẩn náu của các tay súng tại đây.
Trong một diễn biến có liên quan, Ixraen ngày 10/8 đã chấp thuận cho Ai Cập triển khai trực thăng quân sự ở Sinai, tạm nới lỏng quy định giới hạn sự hiện diện của quân đội Ai Cập tại khu vực này theo hiệp ước hòa bình hai nước đã ký năm 1979. Hiệp ước quy định Ixraen rút quân khỏi khu vực Sinai mà nước này đã chiếm đóng từ năm 1967, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt số binh sĩ Ai Cập triển khai tại đây. Sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị phế truất hồi tháng 2/2011, các tay súng đã gia tăng các vụ tấn công ở Sinai, khiến quân đội Ai Cập nắm quyền lãnh đạo đất nước khi đó phải tăng cường lực lượng tại khu vực này.
Hạnh - Hải