Ngày 26/1/1973, đúng 1 ngày trước khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), chàng thanh niên 29 tuổi Botz László đặt chân tới Hà Nội. Khi đó, ông là một trong những thành viên của nhóm công tác đầu tiên thuộc phái đoàn Hungary tham gia Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế (ICCS), còn gọi là Ủy ban 4 bên, có nhiệm vụ giám sát việc thực thi Hiệp định Paris.
Ông Botz László có dáng người cao lớn, nét mặt cương nghị điển hình của một quân nhân từng phục vụ nhiều năm trong quân ngũ, nhưng khi nhắc tới hai tiếng Việt Nam, ông nở nụ cười thân thiện, giọng nói tình cảm như lắng đọng cảm xúc và ký ức của nửa thế kỷ đã trôi qua.
Ông kể rằng cảnh tượng tiếp đón đoàn công tác Hungary ở Hà Nội 50 năm trước đã để lại ấn tượng sâu sắc khiến ông không bao giờ có thể quên được. Ông đã được tận mắt chứng kiến quang cảnh phố phường, nhà cửa, đường sá và những công trình bị bom tàn phá chỉ vài tuần trước trong những đợt rải thảm B-52 của Mỹ. Trong khung cảnh đổ nát đó, điều khiến chàng thanh niên đến từ châu Âu ấn tượng là những khuôn mặt rạng rỡ, vui mừng của người dân thủ đô Hà Nội bởi ông cảm nhận được ở những người dân Việt Nam niềm tin vào hòa bình đang đến.
Với chất giọng trầm ấm, ông nói: “Cảm xúc khi lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội đúng 50 năm trước đã theo tôi suốt cuộc đời. Đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên của tôi với đất nước, với con người Việt Nam. Do đó, trong tất cả thời gian qua, thời gian tôi làm nhiệm vụ ở Việt Nam cho tới những năm sau này, tôi vẫn luôn sẵn lòng quay trở lại Việt Nam bất kỳ lúc nào để gặp gỡ, tiếp xúc với những con người tuyệt vời”.
Ông Botz László nhấn mạnh Chính phủ Hungary đã rất vui vẻ nhận lời và sẵn sàng chuẩn bị nhân sự khi được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị cử đoàn tham gia Ủy ban 4 bên giám sát thi hành Hiệp định Paris. Trong khoảng thời gian từ ngày 26/1/1973 - 9/5/1975, Hungary đã cử 636 quân nhân, lính biên phòng, nhân viên dân sự và ngoại giao thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Việt Nam, trong đó có 2 người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào tháng 4/1973. Ông bày tỏ xúc động khi Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp và đánh giá cao sự đồng hành của Hungary trong Ủy ban 4 bên, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ông tâm sự: “Vào thời điểm đó, chúng tôi với tư cách là người lính đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Tôi có thể nói, niềm tự hào của một quân nhân Hungary, cộng với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ đất nước và dân tộc Việt Nam là những tình cảm chi phối hoàn toàn hoạt động của chúng tôi trong những năm tháng đó. Rất đáng tiếc, chúng ta ai cũng nghĩ rằng với việc ký Hiệp định Paris tháng 1/1973 thì hòa bình đã thực sự đến rất gần với Việt Nam, nhưng phải mất gần hai năm rưỡi sau với rất nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu các bạn mới có thể giành được độc lập hoàn toàn, thống nhất đất nước”.
Cũng nhân dịp này, người cựu binh Hungary cho biết ông rất khâm phục tinh thần của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, những người đã chiến đấu hết sức dũng cảm trong nhiều thập kỷ liền để giải phóng dân tộc, để thực hiện ước mơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thống nhất đất nước. Ông nói: “Những người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với những chiến sĩ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã cùng nhau làm nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975 để thống nhất đất nước, mang lại hòa bình thực sự cho đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam đối với những người lính để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ hết sức cao cả”. Ông Botz László nói rằng bản thân ông cùng các đồng đội, những người đã tham gia Ủy ban 4 bên, cảm thấy tự hào và cũng cảm ơn Việt Nam vì đã có cơ hội để trở thành một phần, đóng góp vào sự nghiệp giành độc lập, tự do của Việt Nam.
Ông cũng đánh giá rất cao sự phát triển của Việt Nam sau chiến tranh và nhấn mạnh trong 50 năm qua, bằng tất cả trái tim, khối óc, nỗ lực của mình, dân tộc Việt Nam đã thực hiện được những bước tiến phát triển thần kỳ mà theo ông không nhiều quốc gia trên thế giới làm được. Ông nói: “Chúng tôi rất vinh dự được hỗ trợ, giúp đỡ các bạn trong những năm tháng khó khăn, và chúng tôi cũng rất vinh dự được làm bạn với các bạn”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về từ Việt Nam, dù luôn bận rộn với công việc ở trong nước và ngoài nước, đặc biệt sau khi nắm giữ những trọng trách của một vị tướng trong quân đội Hungary và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của một tiến sĩ, học giả nổi tiếng, ông Botz László vẫn luôn dành sự quan tâm và tình yêu đặc biệt với "dải đất hình chữ S". Ông cùng với những người bạn cựu chiến binh, cán bộ Hungary từng công tác tại Ủy ban 4 bên tham gia sáng lập Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam năm 1989, trở thành cầu nối bền bỉ, nhiệt thành giữa hai nước. Trong hơn 30 năm qua, các thành viên của Hội đã và đang góp phần vun đắp mối quan hệ Hungary - Việt Nam trên tinh thần hữu nghị, coi việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hungary là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong năm 2022, sau khi tình hình đại dịch COVID-19 lắng dịu, Hội hữu nghị Hungary - Việt Nam đã tích cực nối lại hoạt động bình thường với các kế hoạch, chương trình rất cụ thể. Là Chủ tịch Hội, cùng với hơn 130 thành viên ban chấp hành, ông Botz László thường xuyên tổ chức các cuộc họp để đánh giá về tình hình nhân sự, công tác tổ chức và phối hợp với các hội đoàn phía Việt Nam như Hội người Việt Nam tại Hungary, Hội hữu nghị Việt Nam - Hungary và Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary. Đại diện của Hội tham gia diễn đàn về chủ đề “Đông Nam Á hậu COVID-19” hồi tháng 2/2022, cùng Hội người Việt Nam tại Hungary tổ chức lễ kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Văn hóa Việt Nam…
Ông Botz László cho biết bản thân ông cùng các đồng đội trong những năm tháng sau này khi làm việc tại Hội hữu nghị Hungary - Việt Nam, tiếp tục cống hiến để tăng cường và củng cố hơn nữa các mối quan hệ giữa hai đất nước, giữa hai dân tộc. Ông bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều người Việt Nam và người Hungary hiểu biết hơn về đất nước của nhau, lịch sử của nhau. Ông nói: “Chúng ta hãy đến thăm đất nước của nhau nhiều hơn nữa để truyền cảm hứng này cho các thế hệ mai sau”.