Chương trình được thực hiện tại hai điểm cầu: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Di tích lịch sử An toàn Khu (ATK), Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Dự điểm cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại đầu cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo tầng lớp nhân dân, đoàn viên, thanh niên thuộc các khối thi đua tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã ôn lại sự kiện lịch sử cách đây 70 năm, khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Trong bối cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi, nói rõ mục tiêu thi đua ái quốc là “diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”. Bác kêu gọi nhân dân tiếp tục vượt qua khó khăn, ra sức chiến đấu, bảo vệ xây dựng đất nước.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: Chính sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mỗi người vượt lên chính mình đã tạo nên sức mạnh giúp đất nước ta vượt qua những khó khăn, giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhắn gửi đến thế hệ trẻ hôm nay, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các bạn trẻ cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục thi đua yêu nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đất nước Việt Nam sánh ngang cùng với các nước, bạn bè thế giới.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự chương trình "Ngàn hoa dâng Bác" - Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Trong chương trình cầu truyền hình, đan xen với những khúc ca sôi nổi đầy tự hào như: “Thi đua ái quốc”, “Đường cày đảm đang”, “Cô gái Pa Kô”, “Những ánh sao đêm”…, khán giả được gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, những tấm gương tiêu biểu, điển hình của các phong trào thi đua yêu nước qua từng thời kỳ như: Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vinh dự hai lần gặp Bác và những ký ức không quên của bà trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải nổi tiếng một thời, về trận đánh bảo vệ Cầu Hàm Rồng năm 1965.
Hay câu chuyện của Anh hùng lao động Châu Văn Huy, nguyên Phó Giám đốc Bưu điện Hà Nội - người đã phát động phong trào thi đua sáng tạo sôi nổi trong ngành bưu điện những năm 1950. Với hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cụ Châu Văn Huy (năm nay 97 tuổi) 10 năm liền là Chiến sĩ thi đua, được tôn vinh là Kiện tướng sáng kiến ngành bưu điện và vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 1962. Câu chuyện của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Bảy, một trong 3 phi công đầu tiên được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang tại Đại hội Thi đua toàn quốc năm 1967...
Chương trình còn gặp gỡ những gương mặt trẻ tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp, lao động sáng tạo, trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ là những trí thức trẻ, những bác sĩ, công chức, giáo viên tình nguyện, không nề hà khó khăn, đến những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao.
Hình ảnh xúc động nhất của chương trình chính là những lá thư, những trang nhật ký thời chiến... được viết từ rất lâu, trong thời điểm khắc nghiệt nhất của cuộc kháng chiến, tác giả là những người lính bộ đội cụ Hồ đã viết với lý tưởng sống cao đẹp, thể hiện giá trị về sự hy sinh và cống hiến.
Điểm nhấn của cầu truyền hình “Ngàn hoa dâng Bác” là tại chương trình, họa sĩ Đặng Ái Việt đã trực tiếp vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Viết, 95 tuổi, trú tại thành phố Thái Nguyên. Mẹ Phạm Thị Viết có 2 con là liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Họa sĩ Đặng Ái Việt là người đã rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước hơn 10 năm qua để khắc họa hơn 1500 chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng ở 63 tỉnh, thành phố.
Trong hơn 120 phút, khán giả được xem lại những hình ảnh, tư liệu trong phong trào thi đua yêu nước nổi bật, tái hiện lại không khí hừng hực của một chặng đường ra sức thi đua yêu nước từ Bắc chí Nam. Đó là hình ảnh của những cô gái, chàng trai trẻ chung sức đồng lòng cùng nhau đoàn kết thực hiện mong ước của Bác Hồ là “đất nước được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, non sông liền một dải”.