Mục tiêu mà Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặt ra là hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm gắn với cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong quý I/2024. Quý II/2024 sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định và điều chỉnh kịp thời vị trí việc làm bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; tập trung xây dựng hệ thống bảng lương mới, áp dụng từ ngày 1/7/2024. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần hoàn thành để thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm đã được thông qua tại Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm phải bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức, giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước. Sắp xếp vị trí việc làm nhưng không làm tăng biên chế. Bên cạnh đó, đổi mới công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và văn bản của Ban Tổ chức Trung ương về hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát danh mục vị trí việc làm; xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ, gửi Ban Tổ chức Trung ương.
Theo Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, đến nay, 20/20 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành. 15/15 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Danh mục vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính có 840 vị trí, gồm 122 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; 656 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 40 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; 22 vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Cơ quan thuộc Chính phủ có 31 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý. Đơn vị sự nghiệp công lập có tổng số 559 vị trí việc làm, gồm 110 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; 392 vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; 30 vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; 27 vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã gồm 17 vị trí, trong đó, cán bộ chuyên trách có 11 vị trí, công chức cấp xã có 6 vị trí.
Khẳng định việc xây dựng đề án vị trí việc làm là phải làm, xác định rõ vị trí cần thiết, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, khi giao biên chế, cần có sự cân nhắc dựa vào vị trí việc làm, đồng thời phải căn cứ vào khối lượng công việc giải quyết hồ sơ của các vị trí đó. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, nhiệm vụ, công việc rất nhiều nên cần xét đến yếu tố khối lượng công việc, đây là điều rất quan trọng để xem xét bố trí biên chế. Thành phố Hồ Chí Minh năm nào cũng giảm biên chế, nhưng không bao giờ đạt được yêu cầu như Chính phủ quy định.
Từ những vướng mắc đã được chỉ ra, các bộ, ngành, địa phương đề nghị rà soát lại danh mục vị trí việc làm tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, lãnh đạo quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tế. Cùng với đó, Bộ Nội vụ xem xét sửa đổi Thông tư 13/2022/TT-BNV hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức theo hướng bổ sung nội dung quy định về tỷ lệ ngạch cơ cấu cao nhất cho từng loại mô hình tổ chức và các tiêu chí để xác định cơ cấu ngạch cho một đơn vị.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát lại các thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức, viên chức theo ngành, lĩnh vực để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, bao quát, tránh bỏ sót vị trí việc làm, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập các ngành, lĩnh vực.
Ngoài các vị trí việc làm do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm cho phép các địa phương xây dựng các vị trí việc làm đặc thù, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị.
Theo ông Trần Chí Cường, việc xác định cơ cấu ngạch, chức danh nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mỗi công chức, viên chức. Ông đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, hướng dẫn về cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức để thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.
Nhấn mạnh xây dựng đề án vị trí việc làm là nội dung khó, phức tạp, áp lực về thời gian, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cho rằng, cải cách bao giờ cũng gặp trở ngại, khó khăn, áp lực, nhạy cảm nhưng đây là việc hệ trọng phải làm, khó tới đâu gỡ tới đó, để quý II/2024 tập trung xây dựng hệ thống bảng lương mới, áp dụng từ ngày 1/7/2024. Hiện nay việc triển khai đang bị chậm.
Quan điểm được Phó Thủ tướng nêu ra là phấn đấu để đạt chất lượng cao nhất, đảm bảo những nguyên tắc chung, “phải có sự linh hoạt nhất định, không cầu toàn, đặc biệt là không chủ quan và không hời hợt”. “Bởi vì nếu chủ quan, hời hợt thì tất cả những hệ lụy xảy ra chúng ta sẽ phải gánh", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng, người đứng đầu địa phương, ngành, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp việc này; vừa làm, vừa điều chỉnh, bám vào những nguyên tắc chung, mang tính chất cốt lõi.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành tập trung rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hướng dẫn vị trí việc làm theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ; thực hiện phân cấp mạnh nhất trong xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong khuôn khổ cho phép của các quy định hiện hành.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương chuẩn bị báo cáo tốt nhất thể hiện thực trạng, khó khăn để Thường trực Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương nắm được, quyết liệt xử lý.