Xây dựng vị trí việc làm phải hiệu quả - Bài 2: Vẫn vướng như 'gà mắc tóc'

Dù là địa phương được Bộ Nội vụ đánh giá là “có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm”, song, Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ này. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị hiện nay.

Chú thích ảnh
Người dân phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Chưa có trong thông tư hướng dẫn

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành văn bản hướng dẫn về “vị trí việc làm đối với công chức nghiệp vụ chuyên ngành được giao quản lý từ trung ương đến địa phương” và “định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý”. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ cấu ngạch công chức (khoản 2, Điều 19).

Tuy nhiên, đến năm 2023, các bộ chuyên ngành mới ban hành các văn bản triển khai thực hiện về danh mục vị trí việc làm chuyên ngành, danh mục vị trí việc làm dùng chung, làm cho quá trình triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm còn chậm trễ và gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định lại danh mục vị trí việc làm.

Trong quá trình xác định vị trí việc làm có thể sẽ phát sinh một số vị trí của công chức, viên chức ở địa phương chưa được quy định tại các thông tư hướng dẫn danh mục vị trí việc làm. Song, hiện nay, thông tư của các bộ, ngành không quy định về việc phê duyệt đối với các vị trí việc làm chưa có trong danh mục quy định nhưng thực sự cần thiết và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương. Ví dụ những đơn vị sự nghiệp đặc thù của thành phố như Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Trung tâm xúc tiến du lịch, Trung tâm giám sát điều hành thông tin, Ban quản lý tòa nhà trung tâm hành chính… và một số đơn vị sự nghiệp chưa có vị trí việc làm để đáp ứng được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ.

Ngoài ra, ông Trần Chí Cường cũng cho biết, Nghị định 106/2020/NĐ-CP quy định các bộ, ngành “hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp”. Tuy nhiên, vừa qua, nhiều thông tư của các bộ, ngành chỉ hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm và giao cho địa phương tự xác định cơ cấu viên chức theo các nguyên tắc quy định tại Nghị định 106. Do đó, việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp giữa các địa phương chưa có sự đồng bộ.

Giống như vướng mắc mà Đà Nẵng đã nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong quá trình triển khai, một số vị trí việc làm phù hợp với thực tiễn triển khai nhiệm vụ, nhưng hiện không có trong thông tư hướng dẫn của các bộ.

“Trong danh mục vị trí việc làm dùng chung, còn thiếu các vị trí việc làm về công nghệ thông tin (danh mục chỉ có vị trí việc làm về truyền thông) trong khi đó thành phố Hà Nội đang phấn đấu trở thành thành phố thông minh theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, dẫn đến khó khăn trong thực hiện các chủ trương về chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp”, ông Lê Hồng Sơn nói.

Một số vị trí khác chưa có trong danh mục như: Vị trí việc làm hành chính một cửa thuộc văn phòng các sở; vị trí việc làm kiểm nghiệm hóa học, kiểm nghiệm sinh học của Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp…

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã theo Quyết định số 21/2023/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát, các vị trí việc làm theo thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng chưa phù hợp để áp dụng đối với đề án vị trí việc làm thuộc Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị nên khó khăn khi triển khai thực hiện.

Nhu cầu biên chế vẫn cao

Chú thích ảnh
Lớp học tại trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Một vấn đề khác được nhiều địa phương phản ánh là việc giao chỉ tiêu biên chế và vị trí việc làm chưa gắn liền với nhau; theo yêu cầu tinh giản biên chế như hiện nay sẽ có khó khăn trong việc đảm bảo biên chế theo vị trí việc làm. Thêm vào đó là khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí việc làm quy định khung năng lực cụ thể với chuyên ngành hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay, các bộ chuyên ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức biên chế công chức, định mức số lượng người làm việc (trừ lĩnh vực y tế, giáo dục trong các đơn vị sự nghiệp công lập). Vì vậy, việc xác định biên chế công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo tính khoa học và đồng bộ.

Việc xác định biên chế công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm giai đoạn từ năm 2017 đến 2021 phải gắn với yêu cầu tinh giản biên chế của Trung ương. Việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn đang đô thị hóa rất nhanh và tăng dân số cơ học như Thủ đô Hà Nội.

Khối lượng công việc ngày càng lớn, giao dịch hành chính giữa người dân và doanh nghiệp, tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao, nhất là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Mặc dù thành phố đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình, song việc liên tục giảm biên chế hành chính đã gây khó khăn trong việc thực hiện đúng vị trí việc làm đã được xây dựng, công chức chịu sức ép lớn về khối lượng và yêu cầu công việc được giao, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Số liệu báo cáo của Hà Nội cho thấy, hiện thành phố có 8 triệu dân với 7.927 công chức, bình quân 1 công chức phải giải quyết công việc cho 1.016 người dân, trong khi đó, số dân/biên chế công chức trung bình tại 63 địa phương là 96,46 triệu người trên 140.508 công chức. Nếu chia theo tỷ lệ trung bình, một công chức của 63 địa phương giải quyết công việc cho 686 người dân.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chia sẻ, trong thực tiễn, có vị trí việc làm tương ứng 1 biên chế (vị trí người đứng đầu tổ chức), có vị trí việc làm tương ứng với nhiều biên chế (như vị trí giáo viên trong các trường học do nhiều người đảm nhiệm) và có vị trí phải thực hiện kiêm nhiệm (như 4 vị trí: kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế trong các trường mầm non chỉ do 2 người đảm nhận).

Trên cơ sở thống kê công việc, thời gian hoàn thành công việc, số lượng người làm việc cần thiết cao hơn số lượng biên chế đang được giao tại đơn vị (do áp lực về hồ sơ thủ tục hành chính, trung bình mỗi năm thành phố giải quyết hơn 10 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, chưa kể đến các công việc hành chính cần giải quyết giữa nội bộ các cơ quan nhà nước), phục vụ cho dân số hơn 10 triệu người sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong trường hợp điều chỉnh số lượng người làm việc tăng theo Đề án vị trí việc làm sẽ phát sinh tăng biên chế, trong khi biên chế đến năm 2026, Thành phố Hồ Chí Minh phải giảm hơn 500 biên chế hành chính theo quy định về chỉ tiêu tinh giản biên chế.

Theo Bộ Nội vụ, mặc dù các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, song đây là nhiệm vụ mới và khó, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn có nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Một số bộ, ngành chậm ban hành thông tư hướng dẫn, dẫn đến khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm.

Bài cuối: Khó tới đâu, gỡ tới đó

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Xây dựng vị trí việc làm phải hiệu quả - Bài cuối: Khó tới đâu, gỡ tới đó
Xây dựng vị trí việc làm phải hiệu quả - Bài cuối: Khó tới đâu, gỡ tới đó

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, cải cách bao giờ cũng gặp trở ngại, khó khăn, áp lực, nhạy cảm nhưng đây là việc hệ trọng phải làm, khó tới đâu gỡ tới đó, để quý II/2024 tập trung xây dựng hệ thống bảng lương mới, áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN