Xây dựng ĐBSCL thành vùng kinh tế năng động của cả nước

Ngày 14/7, tại thành phố Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2001-2010. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đã chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị.


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tính kịp thời, đúng đắn, mang tầm chiến lược là động lực giúp kinh tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nhanh, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ của Nghị quyết 21-NQ/TW. Phó Thủ tướng hoan nghênh sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vùng ĐBSCL trong hơn 10 năm qua đã vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt được thành tựu khá toàn diện trên 8 lĩnh vực phát triển quan trọng, tạo tiền đề cho cả vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Kinh tế phát triển nhanh với mức tăng trưởng bình quân 13%/năm, trong đó nông nghiệp phát triển toàn diện, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn phục vụ an ninh lương thực, thực phẩm và xuất khẩu. Nhờ sản xuất phát triển, đời sống nhân dân trong vùng tốt hơn. Thu nhập bình quân đầu người tuy mới đạt 1.000 USD/năm, nhưng giảm nghèo nhanh- khoảng 13% trong 10 năm. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở ĐBSCL thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường... đạt được nhiều kết quả đáng biểu dương, nhất là nhiều tỉnh, thành đã thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, hệ thống chính trị ổn định, quốc phòng an ninh trong vùng được giữ vững.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý trong những năm tới, khu vực ĐBSCL vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, rủi ro tiềm ẩn, kinh tế xã hội còn một số biểu hiện bất ổn, hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, điện lực, viễn thông... còn yếu kém so với nhu cầu phát triển. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phải xác định rõ hơn mục tiêu phát triển cho 5 năm đến 10 năm tới, để xây dựng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế; cơ sở hạ tầng đồng bộ; hệ thống chính trị vững mạnh, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, trong tất cả các giải pháp đã nêu, cần chú trọng 2 giải pháp hàng đầu là khẩn trương quy hoạch lại tất cả các lĩnh vực phát triển của ĐBSCL và trên cơ sở nhu cầu phát triển nhất thiết phải xây dựng bộ chính sách đặc thù cho toàn vùng, trong đó chú trọng từng lĩnh vực, từng sản phẩm thế mạnh; có giải pháp thu hút, huy động tổng nguồn lực trong và ngoài nước; đảm bảo tính liên tục, năng động và liên kết hiệu quả, trong đó Cần Thơ phải thể hiện cho được vai trò đầu tàu trong hỗ trợ phát triển.

Hơn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng ĐBSCL đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách năm 2010 đạt 28.101 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so năm 2001. Hàng năm ĐBSCL xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước.

Hội nghị đã thống nhất phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của ĐBSCL 10 năm tới đạt bình quân 12-13%/năm; đồng thời xác định khâu đột phá của vùng trong 10 năm tới là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề và xây dựng nông thôn mới kết hợp với phát triển hợp lý các đô thị trung tâm và các khu công nghiệp đã được qui hoạch. Thực hiện tốt chủ trương đoàn kết dân tộc, các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân...

Tin, ảnh: Trần Khánh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN