Đây là dịp để các cấp bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia và người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam trao đổi, góp ý, bổ sung Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đảm bảo tương thích, đồng bộ cùng những bộ luật khác, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; đặc biệt là đổi mới hoạt động Công đoàn trong tình hình mới, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội khóa XV nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này là cơ hội để hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động Công đoàn. Đồng thời, đây cũng là dịp thống nhất quan điểm cần sửa đổi Luật Công đoàn phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các văn kiện của Đảng và Hiến pháp 2013; tiếp tục làm rõ những vấn đề mới có liên quan đến vị trí, vai trò tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn, hoạt động Công đoàn phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, phù hợp với tình hình chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Luật Công đoàn (sửa đổi) phải hướng đến xây dựng Công đoàn Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước; khẳng định mình và vươn lên trước những thách thức do sự biến động của thị trường lao động, việc làm, việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, việc thu hút, tập hợp người lao động. Đồng thời, Luật phải hướng đến xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người lao động trong tình hình mới, hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Luật Công đoàn (sửa đổi) còn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới các hoạt động Công đoàn, các điều kiện đảm bảo cần thiết, phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại.
Khái quát tổng quan về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm như: Phạm vi sửa đổi; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn; vấn đề về tài chính Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế; hoàn thiện các quy định của pháp luật Công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới...
Tại Hội thảo, các đại biểu góp ý các vấn đề liên quan để hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Các đại biểu cũng cho ý kiến để hoàn thiện cơ chế tài chính Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng; các quy định của pháp luật Công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất Bộ Luật Lao động năm 2019; mở rộng về quyền gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam; đảm bảo về điều kiện hoạt động Công đoàn trong tình hình mới...
Chiều cùng ngày, Ủy ban xã hội của Quốc hội khóa XV tổ chức Hội thảo lấy ý kiến một số vấn đề lớn trong Dự án Luật Bảo hiểm (sửa đổi).