Hai nội dung chính sách mới
Trình bày tóm tắt tờ trình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ đã có các Tờ trình số 524/TTr-CP ngày 19/11/2021, số 540/TTr-CP ngày 3/12/ 2021 và số 563/TTr-CP ngày 17/12/2021 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết).
Tại Tờ trình lần này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Cần Thơ, trong đó có 6 chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép trình Quốc hội về: Mức dư nợ vay; tỷ lệ bổ sung có mục tiêu; chính sách phí, lệ phí; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Trong khuôn khổ phiên họp, Chính phủ xin báo cáo giải trình và làm rõ với 2 nội dung chính sách mới: Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Cụ thể, dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng một số hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Cụ thể, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư. Bên cạnh đó, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại.
Đối với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ (Trung tâm) là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào Trung tâm khi đáp ứng đủ một số điều kiện. Cụ thể: Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 2 năm liên tục; thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan; thực hiện thanh toán qua ngân hàng; có hệ thống kiểm soát nội bộ; chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng một số hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như: Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án được miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.
Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về thẩm quyền, Thường trực Ủy ban Tài chính cho rằng, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đúng thẩm quyền. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp.
Về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành về sự cần thiết có chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải nhằm: Thể chế hóa Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị; phát huy lợi thế đặc thù của Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long; hạn chế bồi lắng ảnh hưởng lưu thông hàng hải; khắc phục khó khăn trong thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước và chi phí logistic, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt hàng nông sản, phát huy thế mạnh của Cảng Cái Cui, tạo bước phát triển kinh tế cho Cần Thơ và khu vực.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần thể hiện rõ trong dự thảo Nghị quyết việc Quốc hội nhất trí chủ trương khuyến khích thực hiện xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Giao Chính phủ chuẩn bị Đề án, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định, làm rõ các nội dung liên quan về phạm vi (phục vụ Cảng Cái Cui), đánh giá tác động môi trường, nguồn lực, cơ chế thu hút đầu tư… Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc áp dụng ưu đãi cụ thể đối với dự án.
Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ (Trung tâm), đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành việc thành lập Trung tâm và các nội dung ưu đãi nêu trên vì phù hợp với tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị; tạo cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với đặc thù của Cần Thơ và cả Đồng bằng sông Cửu Long. Mức ưu đãi thuế, thời hạn ưu đãi đã được chỉnh sửa theo hướng tham khảo mức hiện hành áp dụng cho các Khu kinh tế theo đúng Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, để bảo đảm tính bao quát, chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách, cần rà soát thận trọng các quy định trong dự thảo Nghị quyết, đồng thời quy định cụ thể các nội dung: Việc ưu đãi về thủ tục hải quan chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sản xuất hoặc chế biến tại Trung tâm, không phải là “hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào Trung tâm” như dự thảo Nghị quyết; việc ưu đãi thuế chỉ áp dụng đối với hàng hóa được sản xuất hoặc chế biến tại Trung tâm; cần có quy định về chính sách ưu đãi đối với đầu tư hạ tầng trong Trung tâm.
Kích hoạt phát triển cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, việc làm rõ nội dung 2 chính sách mới về: Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, có ý nghĩa quan trọng với Cần Thơ nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, với thời gian thực hiện cơ chế thí điểm ưu đãi 5 năm là hợp lý. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với Cần Thơ - thủ phủ của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt cơ thế thí điểm ưu đãi không chỉ kích hoạt Cần Thơ mà sẽ góp phần kích hoạt cả vùng cùng phát triển.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời, thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép thành phố Cần Thơ được thí điểm áp dụng cơ chế chính sách đặc thù.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần hoàn thiện một số nội dung trước khi trình Quốc hội. Cụ thể, hoàn thiện 6 nhóm chính sách về các quy định về áp dụng pháp luật, về hiệu lực thi hành Nghị quyết theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo Kết luận số 558/TB-TTKQH, lưu ý việc sử dụng cải cách tiền lương khi thu nhập tăng lên chỉ được thực hiện khi Cần Thơ tự cân đối ngân sách.
Đối với việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định các chính sách ưu đãi cho trung tâm như Chính phủ trình; đề nghị, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định nhằm bảo đảm việc thành lập trung tâm phù hợp với các quy hoạch và quy định pháp luật có liên quan; đồng thời, quy định cụ thể việc áp dụng các chính sách ưu đãi cho trung tâm khi hết thời hạn 5 năm thực hiện thí điểm.
Về nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi như Chính phủ trình; đề nghị Chính phủ lưu ý đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá tính khả thi chính sách và đánh giá đầy đủ tác động khi tiến hành nạo vét dự án, nhất là tác động đến môi trường, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương khác có liên quan; thời hạn ưu tiên thống nhất 5 năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường tới đây của Quốc hội khóa XV.