Xác định những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại

Ngày 22/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam".

Đây là dịp để các nhà ngôn ngữ ở Việt Nam, các nhà ngôn ngữ thế giới cùng trao đổi thảo luận về những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại, nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam, đồng thời xác định những nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Ngành ngôn ngữ học Việt Nam đã nhanh chóng hoà nhập với các trào lưu, các lý thuyết hiện đại của thế giới và đã có nhiều thành tựu đáng được ghi nhận, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

Bên cạnh những nghiên cứu rất cơ bản vốn chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ học Pháp, Trung Quốc và đặc biệt là ngôn ngữ Xô Viết, giới nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam đã thể hiện những cố gắng không ngừng trong việc hội nhập, tiếp thu, áp dụng một cách sáng tạo và có phát triển các lý thuyết, đường hướng của ngôn ngữ học hiện đại.

Có 256 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã gửi đến Hội thảo, trong đó có 3 báo cáo khoa học quan trọng, phản ảnh phần nào những vấn đề đa dạng mà ngôn ngữ học phải giải quyết, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

Đó là báo cáo của Giáo sư James Robert Martin về nghĩa liên nhân từ góc độ loại hình học chức năng ngôn ngữ; báo cáo của Giáo sư Tiến sỹ khoa học Aysa Bitkeeva về cảnh huống ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc, trường hợp Cộng hòa Liên bang Nga và Việt Nam; báo cáo của Giáo sư Vũ Đức Nghiệu về vai trò của các từ CÁI, CON trong trung tâm danh ngữ và kết hợp của chúng với các định ngữ bạn định là danh từ động vật/bất động vật từ thời tiếng Việt cổ đến nay.

Trên cơ sở phân tích một số đặc điểm những khuynh hướng hiện đại trong ngôn ngữ học, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết: Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại được tiếp thu, vận dụng, điều chỉnh ở Việt Nam. Những khuynh hướng ngôn ngữ học này đã được vận dụng một cách linh hoạt, tạo nên bức tranh nghiên cứu ngôn ngữ học đa dạng.


Có thể nói, việc áp dụng các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại đã mang lại những khởi sắc trong nghiên cứu hệ thống về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt. Nó cũng mang lại thành công trong các lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng, ngôn ngữ học địa lý và lịch sử tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ học đối chiếu...

Hội thảo được chia thành 5 tiểu ban, trong đó các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung vào thảo luận 5 nội dung chính là: Ngôn ngữ học lý thuyết, Ngôn ngữ học liên ngành; Nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ; Ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu; Ngôn ngữ học ứng dụng.
 
Lý Thanh Hương (TTXVN)
Thủ tướng “đặt hàng” Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ
Thủ tướng “đặt hàng” Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ

Sáng 27/12, tới dự và chỉ đạo công tác năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 “đặt hàng” với đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN